Dân Việt

“Khoan sức dân”, nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu thay da, đổi thịt

Trần Cửu Long 30/04/2020 05:05 GMT+7
Phát huy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu (BRVT) đã khoan sức dân làm động lực nhằm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.

Theo Ban chỉ đạo tỉnh BRVT về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phát huy kết quả đã đạt được sau 5 năm 2010-2015, trong giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, cùng với sự đồng lòng tham gia đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân tiếp tục xây dựng NTM.

Đến nay, diện mạo nông nghiệp nông thôn tỉnh BRVT đã thay đổi rõ nét, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao.

img

Ông Huỳnh Công Khanh (trái) ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, đã hiến gần 1.500m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: P.V

Phá tường rào nhường đất làm đường thôn

Với phương châm hoạt động “nắm chắc chủ trương, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, bám sát cơ sở”, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp của tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Tại xã Long Tân (huyện Đất Đỏ), phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn được MTTQ và các đoàn thể trong xã rất quan tâm. Thông qua công tác vận động, người dân đã đồng thuận chung tay xây dựng NTM. Từ năm 2010 đến nay, ông Huỳnh Công Khanh (ấp Tân Hòa, xã Long Tân) đã hiến gần 1.500m2 đất để mở rộng các tuyến đường giao thông trong ấp.

“Trước đây, tuyến đường phía trước nhà tôi nhỏ hẹp, rộng chưa đầy 3m, trời mưa lầy lội, trời nắng bụi bặm. Bà con nông dân vận chuyển nông sản rất khó khăn. Khi được chính quyền địa phương vận động, tôi đã hiến một phần đất của gia đình để mở rộng đường” - ông Huỳnh Công Khanh chia sẻ.

img

Ông Hồ Anh Kiệt - Giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, BR-VT), với mô hình giúp nông dân thoát nghèo bền vững. Ảnh: T.Đ

Bước vào xây dựng NTM từ đầu năm 2016, xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) gặp nhiều trở ngại do xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Sau 2 năm, xã chỉ đạt 10/19 tiêu chí xây dựng NTM.

“Đầu năm 2018, Đảng bộ xã Sơn Bình đã triển khai phong trào “Đảng viên tình nguyện xây dựng NTM” nhằm huy động đảng viên chung sức cùng chính quyền và người dân hoàn thành mục tiêu làm nông thôn mới” - ông Trương Công Phong - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bình cho biết.

Sau khi triển khai, Đảng bộ xã tiến hành rà soát các tiêu chí chưa đạt để đảng viên tìm hiểu và đăng ký ít nhất một phần việc cụ thể, nhất là trong các lĩnh vực về xây dựng hạ tầng, thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo, môi trường...

Cuối tháng 12/2019, tuyến đường dài 240m, rộng 3,5m nối từ trục đường liên ấp đi qua nhà của 30 hộ dân thuộc tổ 3 (ấp Tân Bình) đã được bê tông hóa khang trang, thay cho con đường đất nắng bụi, mưa lầy trước đây. Đó là thành quả từ sự cố gắng của đảng viên Lê Hoàng Đông Nghi - Bí thư Chi bộ ấp Tân Bình.

“Sau khi vận động được gần 180 triệu đồng từ các cá nhân, doanh nghiệp, đầu tháng 11, tôi đã cùng các đảng viên trong Chi bộ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường” - ông Nghi chia sẻ.

Kết quả, 100% hộ dân đồng tình hiến gần 800m2 đất, trong đó có 3 hộ phá bỏ hơn 100m tường rào kiên cố để nhường chỗ cho tuyến đường đi qua. Nhờ sự tích cực, gương mẫu của các đảng viên mà trong năm 2019, trên địa bàn xã Sơn Bình đã có thêm 10 tuyến đường được bêtông hóa với tổng chiều dài hơn 3.500m, thắp sáng 3 tuyến đường giao thông với tổng chi phí hơn 200 triệu đồng. Đến cuối năm 2019, xã Sơn Bình đã hoàn thành 14/19 tiêu chí NTM.

Tại ấp Phước Lâm (xã Phước Hưng, Long Điền) từ 2016-2018, người dân ấp Phước Lâm đã tự nguyện đóng góp 900 triệu đồng để nâng cấp, đổ bêtông hơn 4.000m các tuyến đường ngõ, xóm; đóng góp gần 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trong khu dân cư. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền Trần Kim Phúc cho biết, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn huyện hơn 1.800 tỷ đồng. Đến nay toàn huyện có 5/5 xã (đạt 100%) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

Thu nhập bình quân của người dân các xã đạt hơn 50 triệu đồng/năm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Phấn đấu cuối năm 2020, huyện Long Điền được công nhận huyện đạt chuẩn NTM...

Mấu chốt từ tuyên truyền, vận động

Sở NNPTNT tỉnh BRVT đánh giá, để đạt được các mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM, công tác tuyên truyền, vận động có vai trò rất quan trọng. Hàng năm các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng NTM thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế đời sống, sản xuất của người dân, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững”.

Qua quá trình vận động, nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã thay đổi nhiều. Người dân đã hiểu rõ mình là chủ thể của Chương trình xây dựng NTM, từ đó tham gia vào xây dựng kế hoạch, giám sát, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng NTM.

Cụ thể, hiện số tiền ủng hộ, hỗ trợ xây dựng NTM là hơn 553 tỷ đồng; số ngày công đóng góp hơn 78.700 ngày quy đổi thành tiền là gần 12 tỷ đồng; số diện tích đất hiến tặng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn là 1.115.600m2.

Đại diện Sở NNPTNT cho biết thêm, một số địa phương đã thực hiện rất tốt công tác vận động người dân tham gia đóng góp ngày công, hiến đất và công trình kiến trúc, cây trồng, hoa màu tự nguyện, như: Huyện Châu Đức, Long Điền, thị xã Phú Mỹ...

Theo ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh BR-VT, sau 10 năm thực hiện, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ tích cực tham gia vào xây dựng NTM. Sự chung sức này góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện; đồng thời sản xuất hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, kinh tế nông thôn cũng ngày càng phát triển. Nhiều mô hình chuyên canh, sản xuất theo hướng liên kết tạo lợi nhuận lớn cho người nông dân.

Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, môi trường nông thôn được bảo vệ và cải thiện.

10 năm vừa qua, BR-VT đã có những bước tiến dài, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức đến những hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong xây dựng NTM. Nhờ đó, diện mạo nông thôn đã đổi thay mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế: Cần xác định gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

 Ông Lê Tuấn Quốc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu