Dân Việt

Làm mây tre đan chống rác thải nhựa

Thu Thủy – Hoàng Anh 29/04/2020 17:41 GMT+7
Với mong muốn vừa tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương vừa góp phần bảo vệ môi trường, chị Nguyễn Thị Thắm (ở thôn Phú Quý, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã khởi nghiệp thành công với xưởng sản xuất mây tre đan.

Những sản phẩm mà HTX của chị tạo ra không chỉ thân thiện với môi trường mà còn có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm đáng kể rác thải nhựa.

Hành động vì môi trường

Trong bối cảnh rác thải nhựa đang gây ra thảm họa cho môi trường, việc chị Nguyễn Thị Thắm sản xuất ra những sản phẩm thân thiện đã góp phần không nhỏ thay thế đồ nhựa, đồng thời truyền đi thông điệp kêu gọi người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường.

img

Các sản phẩm thân thiện với môi trường của chị Thắm có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Ảnh: P.V

Chị Thắm chia sẻ: “Tôi bén duyên với nghề thủ công do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa triển khai tại xã Tân Thọ. Từ trước đó, tôi đã luôn khao khát phát triển ngành nghề mây tre đan tại quê nhà, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ địa phương và góp phần bảo vệ môi trường. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khi được sự động viên của các cấp chính quyền địa phương. Tôi đã thành lập Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (HTX) với 7 thành viên tham gia góp 2 tỷ đồng vốn”.

Đến nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ của chị đã tạo công ăn việc làm cho từ 400-500 lao động với thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Lao động chủ yếu là các chị em phụ nữ có thời gian rảnh rỗi, người khuyết tật tại các xã Tân Phúc, Tân Khang, Trung Chính, Vạn Hòa (Nông Cống); Quảng Long, Quảng Yên (Quảng Xương), Đông Anh (Đông Sơn). Không những vậy, tất cả những lao động khuyết tật được HTX đào tạo nghề kỹ càng từ 2-3 tháng hoàn toàn miễn phí, đồng thời HTX cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm cho tổ lao động này.

Được biết, nhằm tránh việc tụ tập đông người trong thời điểm dịch Covid-19, chị Thắm đã cho tạm dừng việc tập trung lao động sản xuất tại cơ sở của HTX, thay vào đó là khuyến khích chị em sản xuất tại nhà.

Chị Trịnh Thị Thụy (thôn Phú Quý, xã Tân Thọ) cho hay: “Chị em chúng tôi được cấp phát nguyên liệu về nhà để đan lát, sản xuất trong những lúc rảnh rỗi. Sau khi các sản phẩm được hoàn thiện chúng tôi có trách nhiệm mang đến HTX để bàn giao. Chính vì thế mà tôi có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái, vừa trông nom dọn dẹp nhà cửa lại vừa có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Nâng cao thu nhập

Các sản phẩm của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ rất đa dạng mẫu mã và nhiều chủng loại như: Mây song xiên, xiên giỏ tích, xiên giỏ rượu mây, lồng úp xuất khẩu, đan hàng rào nứa, thảm cói, giỏ đựng đồ, làn, túi xách và các loại mặt hàng bằng cói xiên, khay đựng... Giá dao động từ 9.000 đồng tới 500.000 đồng cho một sản phẩm tùy từng chất liệu, kích cỡ.

Nhiều sản phẩm được nhập cho các công ty xuất khẩu cho thị trường các nước châu Á, châu Âu, đem lại doanh thu trên dưới 4 tỷ đồng/năm cho HTX. Các sản phẩm này được làm từ các nguyên liệu như mây, tre, cỏ tranh… có sẵn trong tự nhiên, dễ phân hủy và hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Cũng theo chị Thắm, thời gian gần đây các công ty lớn nhỏ, người dân khắp nơi đã tìm đến sản phẩm của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ nhiều hơn. Không chỉ vì mẫu mã sản phẩm luôn được đổi mới, chất lượng cao mà còn do ý thức của cộng đồng đã được nâng cao đáng kể trong việc hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, vật dụng khó phân hủy. Thay vào đó, các mặt hàng, đồ dùng gia dụng được làm từ mây tre đan thân thiện với môi trường được ưa chuộng và phổ biến hơn bao giờ hết.

Chị Thắm chia sẻ thêm: “Chị em chúng tôi mong dịch sớm kết thúc để có thể cùng nhau hoàn thiện những đơn hàng đang dang dở. Chúng tôi gặp nhau vừa làm kinh tế, vừa giúp đỡ nhau, đồng thời còn chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng tìm tòi và hướng dẫn chị em những sản phẩm đẹp hơn, hữu ích hơn để nâng cao tay nghề, nâng cao thu nhập”.

Cùng với các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước, HTX thường xuyên tự tổ chức các lớp học cho các học viên mới và nâng cao tay nghề, kỹ năng cho các tổ trưởng đội nhóm. Điển hình như trong năm 2018, HTX mở được 3 lớp dạy nghề theo cho lao động nông thôn và năm 2019 mở được 5 lớp (2 lớp dạy nghề cho người khuyết tật và 3 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn). Trong thời gian 3 tháng học nghề, người lao động vẫn được trả công nếu sản phẩm làm ra đạt yêu cầu.