Dân Việt

Vừa bỏ hạn ngạch, Việt Nam lại vào cuộc đua xuất khẩu gạo với Trung Quốc, Ấn Độ

Anh Thơ 28/04/2020 11:32 GMT+7
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc đã chính thức quay lại thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng chững lại, nếu không nhanh chóng đón sóng chúng ta sẽ tuột mất cơ hội.

Ấn Độ, Trung Quốc đã quay lại thị trường gạo

Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc Bộ Công Thương đề xuất bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo từ ngày 1/5, tiếp tục thực hiện việc kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP là vô cùng cần thiết trong thời điểm này. 

"Chúng tôi cũng đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho xuất khẩu lại bình thường từ tháng 05/2020 theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo" - ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, việc xuất khẩu gạo trở về trạng thái bình thường là hoàn toàn khả thi và có cơ sở vì nguồn cung gạo toàn cầu tăng lên so với nhu cầu không có đột biến; nguồn cung từ Ấn Độ, Trung Quốc chính thức quay lại thị trường vào tuần trước; giá đang có khuynh hướng giảm lại.

Trong khi đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào thu hoạch vụ hè thu 2020, việc cho xuất khẩu lại bình thường giúp các doanh nghiệp chủ động đàm phán ký hợp đồng trong giai đoạn giá thị trường đang mức cao trong vòng 3 năm, qua đó góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo lợi nhuận tốt cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phục hồi sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Về nguồn dự trữ lưu thông 5% của các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam, theo ông Kiên, qua kiểm tra luôn đảm bảo và sẳn sàng đáp ứng thị trường tức thì bất cứ khi Chính phủ có yêu cầu.

img

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Ảnh: I.T

Thị trường giá lúa gạo Châu Á ghi nhận giá tại Ấn Độ giảm, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan vẫn vững ngôi đầu, đạt  543 - 547 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Theo đó, giá gạo 5% tấm tuần này được báo ở mức 440 – 450 USD/tấn.

Ai chịu trách nhiệm cho thiệt hại của doanh nghiệp? 

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, qua vụ việc lùm xùm trong một tháng qua đã bộc lộ sự lúng túng trong chính sách điều hành xuất khẩu gạo của các bộ ngành liên quan.

Theo PGS.TS Dương Văn Chín - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, năm nay Bộ NNPTNT chỉ đạo rất tốt, rút thời vụ lúa đông xuân sớm hơn 1 tháng nên nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch phần lớn diện tích trước khi nước mặn xâm nhập sâu, nhờ đó không bị thiệt hại nhiều như vụ đông xuân năm 2015-2016.

Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đã rất năng động tìm nhà nhập khẩu, nâng cao chất lượng gạo để cạnh tranh, nhiều người tìm thị trường ngách. Các doanh nghiệp cũng tính toán trong cả năm mua lúa lúc nào, sấy ở đâu, trữ ra sao, lúc nào bóc vỏ trấu, lúc nào xát trắng để làm sao xuất khẩu hiệu quả.

 Còn việc dự trữ 5% gạo cho an ninh lương thực, theo ông Chín, các doanh nghiệp có thể đảm bảo với Nhà nước, Nhà nước có thể kiểm tra đột xuất kho dự trữ. Điều quan trọng là tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp cạnh tranh, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (xã Bình Cang, Thủ Thừa, Long An) cho biết, ngay sau khi việc xuất khẩu gạo nếp được khơi thông, các lô hàng của doanh nghiệp đã được thông quan, lên tàu giao cho khách hàng.

"Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về gạo nếp, trong khi Việt Nam lại có lợi thế rất lớn về mặt hàng này, bởi do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Thái Lan, Campuchia ít trồng gạo nếp. Chính vì vậy, khi chúng ta tạm dừng xuất khẩu gạo, phía đối tác đã rất sốt ruột. Rất may, sau 1 tháng mọi việc được khơi thông, dù doanh nghiệp chịu thiệt hại không nhỏ nhưng cuối cùng hàng cũng đi được" - ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết, sau 1 tháng để hàng nằm chờ tại cảng, không chỉ phát sinh thêm chi phí kho bãi, ông còn lo lắng chất lượng gạo sẽ giảm sút.

"Với mặt hàng gạo nếp, chỉ sau một vài tuần chất lượng đã khác, ảnh hưởng đến chất lượng bột nên chúng tôi vô cùng sốt ruột" - ông Hòa cho biết.

Theo ông Hòa, cho đến giờ Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam, nhất là mặt hàng nếp, vì vậy, việc thay đổi chính sách cũng cần phải thông báo sớm để doanh nghiệp chủ động, xử lý trong mọi tình huống.