Dân Việt

Nuôi loài cá da xù xì, trước kêu là "thủy quái", dân ở đây đổi đời

Gia đình ông Chử Ngọc Dũng, xóm 11 xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đã gắn bó với nghề đánh bắt cá trên Sông Lô từ những năm 1990. Nhưng cuộc sống ổn định của gia đình ông Dũng chỉ bắt đầu khi ông mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá đặc sản như cá chiên, cá quất trong lồng trên sông Lô từ năm 2001.

Ông Dũng cho biết: Lúc đầu nghề nuôi cá đặc sản trồng trên sông Lô khá vất vả. Tiếng là cá ngon, cá đặc sản nhưng đầu ra bấp bênh. Nhưng gia đình ông vẫn quyết định gắn bó và hiện tại gia đình ông đã có 5 lồng cá đặc sản, chủ yếu là nuôi cá chiên và nuôi cá quất.

Đây là 2 loại cá quý, cá đặc sản như cá chiên, cá quất với chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng và  bán với giá cao, lúc nào nguồn cung cũng thiếu hụt so với nhu cầu.

img

Mô hình nuôi cá chiên đặc sản của gia đình ông Chử Ngọc Dũng, xóm 11 xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. 

Phát huy thế mạnh của địa phương là có sông Lô chảy qua địa bàn, xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang đã lựa chọn cá lồng là sản phẩm chủ lực trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tháng 1 năm 2019, xã Tràng Đà đã thành lập và ra mắt Hợp tác xã dịch vụ cá sạch Gềnh Quýt Tràng Đà, với 17 hội viên.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc HTX dịch vụ cá sạch Gềnh Quýt Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang cho biết: Với 17 hộ thành viên HTX đều là những hộ đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông, nên nắm chắc kỹ thuật, chủ động về việc lựa cá chiên, cá quất giống tốt. Do đó, khi tham gia vào Hợp tác xã đã giúp cho các hộ nông dân liên kết lại với nhau, chuyển đổi từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún để phát triển lên thành nuôi cá đặc sản hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tràng Đà cho biết: Thực hiện Chương trình, mỗi xã được hỗ trợ 300 triệu đồng để xây dựng các sản phẩm chủ lực. Người dân được tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đây là không chỉ là điều kiện để sản phẩm cá đặc sản được quảng bá, xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời còn giúp địa phương giải quyết những vấn đề quan trọng như lao động việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân trong việc lựa chọn sản phẩm và triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, cụ thể là nuôi cá chiên, nuôi cá quất đặc sản ở trên địa bàn xã Tràng Đà sẽ tiếp sức cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở thành phố Tuyên Quang đạt hiệu quả cao, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.