Tờ Daily Star hôm 2/5 đưa tin, đại dịch Covid-19 là mối đe dọa mới nhất tấn công các cộng đồng ở Ethiopia. Chính phủ quốc gia Đông Phi này gần đây phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi ghi nhận 131 ca nhiễm Covid-19 và 3 trường hợp tử vong.
Dịch Covid-19 xuất hiện ở quốc gia Đông Phi hôm 13/3 sau khi một du khách Nhật Bản được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tổ chức Save the Children cảnh báo Ethiopia cùng một số quốc gia Đông Phi khác, đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa cùng lúc. Ngoài dịch Covid-19, Ethiopia đang hoặc sắp phải đối mặt với dịch châu chấu châu Phi, lũ lụt, nạn đói và một căn bệnh đáng sợ khác - bệnh "khóc ra máu".
Covid-19 tác động tới nền kinh tế và dịch vụ y tế. Mưa lớn kéo dài khiến nước sông dâng cao gây lũ lụt và khi mùa hè tới cũng là thời điểm hàng triệu con châu chấu phá hoại mùa màng kéo về. Cảnh báo về một nạn đói với hàng triệu người đã được đưa ra.
Ngoài ra, người dân Ethiopia đang phải gồng mình chống chọi với bệnh "khóc ra máu" đáng sợ. Nhiều người mắc phải căn bệnh này khi chết sẽ bị chảy máu từ mắt, miệng và hậu môn.
Chảy máu ở mắt là triệu chứng thường thấy của bệnh "khóc ra máu". Ảnh: Getty
Theo Daily Star, bệnh "khóc ra máu" này chính là bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF) - một loại bệnh do nhiễm virus CCHF gây ra. Tỷ lệ tử vong của CCHF cao hơn rất nhiều so với bệnh dịch hạch và các chuyên gia y tế đã vô cùng bối rối khi nó xuất hiện ở Nam Sudan, Uganda và giờ là Ethiopia. Hàng chục người đã bị nhiễm CCHF và ít nhất 4 người đã chết ở quốc gia Đông Phi này.
Theo Guardian, một nạn nhân 23 tuổi nhiễm CCHF ban đầu bị vàng ở mắt và lòng bàn tay. Sau đó, máu bắt đầu chảy ra từ mũi, miệng, mắt và cơ thể người này bị sưng phồng. Nạn nhân sau đó tử vong vì sốt cao.
Nhiều hàng xóm của thanh niên 23 tuổi này cũng có các triệu chứng tương tự. Một số cũng tử vong.
Một nạn nhân khác là bé trai 2 tuổi ở thị trấn Haarcad. Nạn nhân cũng có lòng bàn tay và da mắt chuyển sang màu vàng đỏ, cơ thể sưng phồng kèm sốt cao. Sau hơn một tháng nằm viện và được truyền máu nhiều lần, nạn nhân vẫn tử vong.
Tại một số vùng gần Somali, nhiều người cũng có các triệu chứng tương tự như bệnh nhân mắc CCHF nhưng xuất hiện lo ngại rằng người dân tử vong bởi hoạt động thăm dò khí đốt của Trung Quốc khiến nguồn nước bị nhiễm độc. Tuy nhiên, giới chức địa phương bác bỏ lo ngại này và cho biết toàn bộ giếng thăm dò khí đốt của địa phương đều không gây hại cho môi trường.
Các bệnh nhân có triệu chứng bệnh CCHF thường bị trả về khi bác sĩ nói rằng họ đã vô phương cứu chữa.
Với việc đại dịch Covid-19 đang trở thành mối đe dọa thực sự ở Ethiopia, các bệnh nhân nhiễm bệnh khác sẽ không nhận được sự chăm sóc như trước đây vì sự quá tải với số lượng lớn người nhiễm Covid-19.
Giới chức Ethiopia đã đóng cửa toàn bộ trường học, cấm tụ tập nơi công cộng, thả hàng nghìn tù nhân khỏi các nhà tù đông đúc và yêu cầu người dân làm việc tại nhà. Các đường phố tại thủ đô Addis Ababa đều được phun khử khuẩn để ngăn dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, chính phủ Ethiopia không áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc như các nước láng giềng Rwanda, Uganda hay Mauritius.
Thủ tướng Abiy Ahmed tuyên bố một lệnh phong tỏa chặt chẽ hơn là không phù hợp với thực tế ở Ethiopia khi nhiều người không có nhà và "ngay cả những người có nhà cũng vẫn phải kiếm sống".
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |