Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương tại cuộc họp, hiện nay việc tái đàn chăn nuôi đa số là ở các trang trại chăn nuôi gia công với các công ty chăn nuôi. Đối với các trang trại chăn nuôi tư nhân thì tiến độ tái đàn chậm với nguyên nhân chủ yếu do lo ngại dịch bệnh tái phát và khan hiếm con giống.
“Để tái đàn thì người chăn nuôi phải mua con giống với giá cao từ 160.000 – 170.000 đồng/kg”, ông Phạm Văn Bông - Giám Đốc Sở NNPTNT cho biết.
Việc tái đàn ở Bình Dương còn khó khăn do giá con giống cao
Ông Trần Nhật Lâm, một nông hộ chăn nuôi ở huyện Bàu Bàng đánh giá, như vậy với 1 con giống khoảng 20kg, người chăn nuôi phải tốn gần 3,5 triệu đồng mới mua được con giống để tái đàn.
“Nhưng cầm 1 cục tiền trong tay mà có mua được heo để tái đàn hay không là chuyện khác. Vì nông dân rất khó tiếp cận được nguồn giống để tái đàn”, ông Lâm nói.
Còn theo báo cáo của Sở NN- PTNT, thực tế là thời gian qua, các công ty chăn nuôi đều lưu hành giống nội bộ trong hệ thống và không xuất bán con giống ra ngoài.
Bên cạnh đó, có không ít công ty và trang trại chăn nuôi sử dụng cả heo cái 3 máu (loại heo không chuyên làm nái đẻ thịt - PV) để làm giống tạm thời. Việc này đồng nghĩa với tình trạng khang hiếm con giống, có con nái là cho sinh sản.
Việc này góp phần làm nguồn cung heo thịt khan hiếm, đa phần nguồn heo xuất thịt là heo đực, báo cáo nêu.
Tổng đàn heo tỉnh Bình Dương chỉ giảm khoảng gần 1,9% so với cùng kỳ năm 2019
Đánh giá tổng thể, Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cho biết, dù tổng đàn heo toàn tỉnh hiện nay có giảm khoảng gần 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng nhìn chung, số lượng heo chỉ giảm nhiều ở đàn heo chăn nuôi quy nông hộ, gần 49%. Đối với chăn nuôi quy mô trang trại và ở các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng đàn heo tăng gần 4,5%.
Tính từ 5/2019 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra bệnh DTHCP và có hiện tượng heo chết bất thường ở 1.394 hộ/trại chăn nuôi, với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là 87.116 con (chiếm tỷ lệ khoảng 15,14% so với tổng đàn).
Riêng từ đầu năm 2020 đến nay trên toàn địa bàn tỉnh có 3 xã phát sinh heo bệnh DTHCP với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là 30 con. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các địa phương trong tỉnh đều đã qua 30 ngày không ghi nhận phát sinh ổ dịch mới.
Đoàn công tác Bộ NNPTNT làm việc với tỉnh Bình Dương.
Đến hết quý I năm 2020, qua thống kê của ngành thú y, tổng đàn heo của Bình Dương có gần 786.000 con. Trong đó, chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm 6,1% và tổng đàn heo chỉ giảm khoảng 1,89 % so với cùng kỳ.
Tính đến thời điểm tháng 4/2020, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đã tăng gần 22% so với thời điểm đầu tháng 1. “Qua đó đã cho thấy hiệu quả công tác quản lý nhà nước để khống chế DTHCP; đồng thời các trang trại và các công ty chăn nuôi đều được tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp sản phẩm cho thị trường”, ông Bông đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi thừa nhận, gần đây, các công ty chỉ lưu hành giống nội bộ trong hệ thống và không xuất bán con giống ra ngoài nên công tác tái đàn còn khó khăn.
Tuy nhiên Bình Dương có điểm lợi là hơn 90% là chăn nuôi trang trại. Phần nông hộ chiếm số ít. “Bộ NN - PTNT đang chủ động tăng cường nhập con giống đế đáp ứng nhu cầu tái đàn trong nước”, ông Trọng chia sẻ.