Dân Việt

Thanh Hóa: Trồng sâm "tiến vua" cứ 1 sào dân lãi ròng 50 triệu đồng

Vũ Thượng 05/05/2020 13:05 GMT+7
Sâm Báo là loài sâm trước kia chỉ mọc ở núi Báo làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Qua thời gian những gốc sâm Báo tự nhiên bị khai thác dần cạn kiệt. Để phục hồi loại sâm quý "tiến vua", tỉnh Thanh Hóa và công ty TRISO đã chú trọng nhân giống, bảo tồn loài sâm được ví “Đại Việt đệ nhất danh Sâm” là dược liệu quý để dâng vua, tiến chúa từ những năm 1400.

Đặc sản sâm "tiến vua"

Sâm Báo là loại cây thân thảo sống nhiều năm, cao từ 30-50 cm, rễ củ có hình trụ có màu trắng nhạt dài từ 15- 40 cm, thân cành có thể mọc đứng cũng có khi bò lan tỏa ra mặt đất, cành có hình trụ, lá mọc so le dưới gốc, có hình trái tim.

img

Trồng cây sâm Báo giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, khoai...Ảnh: Vũ Thượng

Hoa của loài sâm  báo thường có hai màu đỏ và màu vàng khác gốc, cuống hoa dài. Quả hình trứng nhọn, có khía dọc, khi quả chín các khía nứt ra thành 5 mảnh, hạt hình màu nâu đen.

Thời gian trồng cây sâm Báo vào giữa tháng 2 (từ 15-20/2) là thời kỳ thời tiết không còn các đợt rét kéo dài, chỉ có mưa xuân và ấm dần lên. Thu hoạch từ tháng 11 trở đi. Sâm Báo thích hợp với đất nhiều mùn, tơi xốp, có lớp đất mặt sâu, thoát nước, nhiều ánh sáng ở vùng trung du và đồng bằng.

img

Trồng cây sâm Báo phải lên luống cao nhằm thoát nước

Lưu ý, đất trồng cây sâm Báo phải lên luống theo hướng dốc, tránh gây ngập úng cục bộ sau mưa lớn, đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa. Sau khi cày, bừa, xử lý đất, tiến hành lên luống cao 25-30 cm, mặt luống rộng 80-100 cm, rãnh rộng 30 cm. Mật độ trồng sâm Báo 250.000 (cây/ha), khoảng cách trồng: 20cm x15cm.

Số lượng hạt để sản xuất 1 ha dược liệu sâm Báo từ 8-10 kg. Trước khi gieo giống phải phơi trong nắng nhẹ 1-2 giờ, sau đó ngâm trong nước ấm khoảng 1-2 giờ, vớt ra dội lại bằng nước lã cho đến khi thấy nước thải ra trong, để ráo nước và đưa vào ủ nóng, khoảng 2-3 ngày hạt có hiện tượng nứt nanh trắng ngà tiến hành gieo thẳng ra ruộng sản xuất dược liệu đại trà.

img

Sâm Báo đặc sản "tiến vua". Ảnh: Vũ Thượng

Theo sách “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo viết: “Nước Nam có nhiều Sâm, chỉ có sâm đất Biện Thượng (còn gọi là Bồng Thượng) công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân sâm ở núi Báo có nhiều hiệu nghiệm kì lạ”. Từ những năm 1400, thời vua Hồ, chúa Trịnh, loại dược liệu quý sâm Báo được dùng để dâng Vua, tiến Chúa.

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, lương y Đỗ Quang Dũng cho biết: "Sâm Báo trước kia là đặc sản để "tiến vua" do nó có vị ngọt nhạt, tính bình, vào kinh tỳ phế có nhiều tác dụng như: Bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tâm dịch, trị ho, sốt nóng, phổi yếu...thân, lá, củ của cây sâm Báo dùng để ngâm rượu, tán thành bột pha nước uống trực tiếp rất tốt cho sức khỏe".

img

Sản phẩm được bào chế từ sâm Báo. Ảnh: Vũ Thượng

Cây Sâm Báo: tên khoa học là Abelmoschus Sagitifolius (Kurz) Merr, họ Bông Malvaceae. Thành phần hóa học: Rễ Sâm báo có chưa hợp chất Coumarin, Flavonoid, đường khử, chất nhầy, acidamin, acid hữu cơ, phytosterol và sesquiterpen. Hàm lượng chất nhầy 26,7%, các axid amin gồm 11 chất và các khoáng tốt cho cơ thể như canxi, natri, magie, sắt, đồng, kẽm, photpho…

Trồng sâm Báo thu lời 50 triệu/sào/năm

Cây sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc), đang cho thấy giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, khoai, lạc...nên người nông dân ở nơi đây đã "mạnh tay" chuyển đổi cây trồng, đầu tư giống, đi học hỏi kỹ thuật mở rộng diện tích trồng cây sâm Báo.

img

Cây sâm Báo hay bị mắc bệnh thối rễ. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Hoàng Thị Thơ (xóm Đoài) chia sẻ: "Hiện tại gia đình tôi đang trồng 5 sào cây sâm Báo, so với cây hoa màu khác thì cây sâm này trồng rất khó, hay mắc sâu bệnh, nhưng bù lại giá trị kinh tế lại cao. Nếu thời tiết "ủng hộ" và trừ mọi chi phí thì 1 sào thu lời cũng khoảng 50 triệu đồng/năm".

img

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm quan mô hình sản xuất dược liệu sâm Báo

Để phát triển cây sâm Báo, ngày 22/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kí quyết định phê duyệt Dự án phát triển cây Sâm báo ở xã Vĩnh Hùng giao cho Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn (trực thuộc tập đoàn TRISO GROUP). Dự án này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và du lịch ở địa phương.

Được biết, năm 2019, Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn đã trồng được 2,5 ha sâm báo năng suất đạt 3 tấn/ha, thu hoạch được 7,5 tấn theo giá bán bình quân trên thị trường là 150.000 đồng/kg sâm tươi, doanh thu đạt 1 tỷ đồng.

img

Giá bán sâm Báo tươi giá từ 150.000-200.000 đồng/kg

Ngoài ra, công ty còn chế biến các sản phẩm như: Nước ép bổ dưỡng, trà sâm Báo, rượu sâm Báo…đồng thời, công ty còn tạo điều kiện cho 20 lao động ở địa phương với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Từ việc công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn (trực thuộc tập đoàn TRISO GROUP) hợp tác, liên kết, hỗ trợ đầu tư giống, phân bón và một phần tài chính, cũng như về mặt kĩ thuật sau đó sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm sâm Báo cho nhân dân đang giúp người trồng sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng yên tâm mở rộng diện tích.

img

Sâm Báo sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao

"Sản phẩm sâm Báo đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đánh giá sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Cây sâm Báo phát triển rất tốt trên đất xã Vĩnh Hùng, tới đây chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu sâm Báo gắn với quảng bá du lịch tại địa phương", ông Lê Văn Tiến-Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.