Hơn 3 tỉ người có thể phải sống trong môi trường nóng vượt ngưỡng chịu đựng vào năm 2070.
Theo CNN, trong hàng ngàn năm, con người đã sống trong môi trường có mức nhiệt độ trung bình phù hợp để phát triển xã hội, trồng cây lương thực và chăn nuôi gia súc.
Nhưng trong tương lai gần, nhiệt độ Trái đất tăng lên sẽ khiến môi trường biến đổi nhanh chóng. Nhiều nơi sẽ trở nên quá nóng, vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người.
Nghiên cứu mới do nhóm các nhà khảo cổ, nhà khoa học khí hậu, nhà sinh thái học thực hiện, chỉ ra rằng Trái đất ngày càng trở nên nóng hơn vì hiệu ứng nhà kính. Với tốc độ như hiện nay, đến năm 2070, hơn 3 tỉ người sẽ sống ở môi trường nóng hơn nhiều so với môi trường mà con người từng sống suốt 6.000 năm qua.
Với mỗi 1 độ C ấm lên, 1 tỉ người sẽ phải di cư đến những vùng đất mát hơn hoặc phải học cách sống ở môi trường khắc nghiệt, nghiên cứu cho biết.
Tim Kohler, nhà khảo cổ học tại Đại học Washington, đồng tác giả nghiên cứu, nói rằng phát hiện trên là lời cảnh báo “về những điều tồi tệ nếu chúng ta không thay đổi cách sống”.
Sử dụng dữ liệu lịch sử về nhiệt độ toàn cầu và sự phân bổ dân số, các nhà nghiên cứu phát hiện đa số cộng đồng dân cư tập trung ở vùng có mức nhiệt độ trung bình năm từ 11-15 độ C. Một cộng đồng nhỏ sống ở nơi có nhiệt độ trung bình từ 20-25 độ C, nơi có những cơn mưa hàng năm phục vụ sản xuất lương thực.
Điều khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên là trong suốt 6.000 năm, nhân loại vẫn có xu hướng ưu tiên sống ở những vùng đất có mức nhiệt độ trung bình như trên, dù sự phát triển công nghệ tạo ra những phát minh giá trị như điều hòa.
Nhiệt độ trên Trái đất được dự báo sẽ tăng tới 3 độ C vào năm 2100. Đất liền có xu hướng ấm lên nhanh hơn đại dương, khiến nhiệt độ trung bình ở những nơi con người sinh sống cũng tăng mạnh.
“Có thể kết luận rằng, con người đã quen với môi trường nhiệt độ ổn định suốt 6.000 năm, một khi nhiệt độ ấm lên, con người sẽ không thể thích nghi một cách dễ dàng và nhanh chóng”, Kohler nói.
Một trong những khu vực nóng nhất trên Trái đất là vùng sa mạc Sahara ở châu Phi, với mức nhiệt độ trung bình năm hơn 29 độ C. Những vùng đất khắc nghiệt này chiếm 0,8% diện tích đất đai trên toàn cầu.
Đến năm 2070, 19% diện tích đất đai trên toàn cầu trở nên nóng quá mức, ảnh hưởng tới hơn 3 tỉ người, bao gồm khu vực Cận Sahara, Nam Mỹ, Ấn Độ, Đông Nam Á, bán đảo Ả Rập, Úc.
Những nơi có tốc độ tăng dân số chóng mặt như Ấn Độ, Nigeria, sẽ có cộng đồng dân cư lớn nhất sống ở môi trường khắc nghiệt, các nhà nghiên cứu cho biết.
“Viễn cảnh tồi tệ nhất có thể tránh được nếu các quốc gia cắt giảm hiệu quả khí thải nhà kính”, nhà nghiên cứu Chi Xu, nói. “Các quốc gia cũng cần có các biện pháp hiệu quả đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đời sống xã hội”.