Đàn lợn cụ kỵ, ông bà vẫn an toàn
Tại hội nghị thúc đẩy chăn nuôi lợn tổ chức tại Hà Nội sáng 6/5, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay Việt Nam đã làm tốt nhất có thể để giảm thiểu thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây ra. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử, chưa có vaccine, thuốc đặc trị, dịch đi đến đâu tàn phá ngành chăn nuôi lợn của thế giới đến đó.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã cơ bản giữ an toàn đàn lợn cụ kỵ, ông bà xấp xỉ 100.000 con và đến nay đã phục hồi được khoảng 80% tổng đàn so với trước DTLCP.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bài học rút ra trong quá trình phòng, chống DTLCP đến nay là phải kiên quyết áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nếu làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh rất khó để xâm nhập vào chuồng trại hoặc nếu có xâm nhập vẫn đủ thời gian và biện pháp để xử lý, khắc phục để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội sẽ được hỗ trợ 100% chi phí tinh lợn ngoại, hỗ trợ 5 triệu đồng/nái... để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn. Ảnh: Minh Huệ
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Hện nay các địa phương đang được khuyến khích tăng đái, tái đàn, song quan điểm của Bộ NNPTNT phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học mới được phép tái đàn, bởi thực tế mầm bệnh DTLCP vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh sẽ xâm nhập vào trang trại gây thiệt hại lớn.
Yên Bái là địa phương tiêu biểu trong khống chế DTLCP và tái đàn lợn hiệu quả. Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tổng đàn lợn của tỉnh hiện là 442.000 con, trong đó có 48.000 con nái, 1.300 con đực giống. Do người dân không tái đàn từ tháng 5/2019 nên số lợn thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu tiêu dùng.
Trước tình hình đó, tỉnh Yên Bái đã ban hành một loạt chính sách nhằm khuyến khích người dân tái đàn lợn, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm. Trong đó hỗ trợ 91 cơ sở chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh, tổng mức hỗ trợ 3,36 tỷ đồng. "Chúng ta xác định đã chăn nuôi phải chăn nuôi an toàn sinh học chứ không làm theo phong trào, tái đàn ồ ạt" - ông Duy nói.
Ông Duy cho biết thêm, đối với các hộ trống chuồng nay tái đàn sau DTLCP, tỉnh chủ động hỗ trợ con giống: Hộ nuôi 100 con thì được hỗ trợ 30 triệu đồng; hộ nuôi 15 con nái được hỗ trợ 30 triệu; hộ nuôi hỗn hợp 5 nái và 50 lợn thịt được hỗ trợ 20 triệu; nuôi gia cầm 1.000 con/lứa được hỗ trợ 15 triệu đồng.
Ngoài ra, hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19, hộ nuôi 100 con lợn thịt được hỗ trợ 20 triệu; hộ nuôi 15 con nái được hỗ trợ 20 triệu đồng; các hộ nuôi hỗn hợp 5 nái và 50 lợn thịt được hỗ trợ 15 triệu đồng.
Đối với các doanh ngiệp nuôi lợn nái nếu vay vốn ngân hàng thì được hỗ trợ lãi suất. Yên Bái hiện có 4 doanh nghiệp chăn nuôi lợn nái, mỗi con lợn con bán trong nội tỉnh, có xác nhận của chính quyền địa phương và Phòng Nông nghiệp thì được hỗ trợ 50.000 đồng.
Tích cực hỗ trợ tái đàn
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, vừa qua một số tỉnh đã tái đàn lợn và tăng đàn lợn rất tốt, với một số kinh nghiệm như tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; kịp thời công bố hết dịch để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn lợn.
Tuy nhiên, do khan hiếm nên giá lợn giống, lợn hậu bị đang tăng rất cao. Ngay cả các hộ có tiền cũng khó mua được lợn giống để tái đàn, tăng đàn nên một số địa phương đã kịp thời quan tâm, có các chính sách hỗ trợ kinh phí duy trì, tăng đàn nái, đực giống phục vụ tái đàn, tăng đàn như: Hà Nội bố trí 16 tỷ đồng hỗ trợ con giống, trong đó hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/con lợn nái, Nghệ An hỗ trợ 2 triệu đồng/con lợn nái, hỗ trợ toàn bộ đực giống, Bình Dương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi từ 20 con lợn trở lên...
Với đà này, dự kiến đến quý III, IV/2020 sẽ cơ bản đảm bảo nhu cầu lợn giống, lợn thương phẩm cho thị trường.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, chăn nuôi lợn đóng vai trò hết sức quan trọng với Hà Nội, bởi phải phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho 10 triệu dân nên áp lực rất lớn. Trước khi xảy ra DTLCP, TP.Hà Nội có tổng đàn lợn 1,8 triệu con, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Sau khi xảy ra dịch, thời điểm thấp nhất Hà Nội chỉ còn 0,9 triệu đầu lợn, nhưng nay đã phục hồi lên 1,2 triệu con.
Ông Sửu cũng cho biết, Hà Nội đã có quyết định chi 150 tỷ đồng hỗ trợ riêng cho lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu cho con lợn. Tuy nhiên để việc tái đàn đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, Hà Nội đề xuất Bộ NNPTNT cần có chính sách đối với doanh nghiệp hiện đang giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà quy mô lớn bởi đây là nguyên liệu quan trọng hàng đầu cho việc tăng đàn nái và tăng đàn lợn thịt trong tương lai.