Biết chúng tôi đến tìm hiểu về cái nghề truyền thống theo phương thức “cha truyền con nối” là đánh bắt cá bông lau tự nhiên trên 2 nhánh sông Tiền đi qua cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt- TP Cần Thơ), ông Nguyễn Văn Bảy- một tay “sát cá” nổi danh tại khu vực này- bức xúc kể: “Xóm này trước kia có trên 30 hộ chuyên làm nghề đánh bắt cá bông lau.
Ông Bảy kể thêm: TP Cần Thơ hiện chỉ có xóm này hành nghề thả lưới đánh bắt cá bông lau bởi vùng sông này là nơi giáp giới nước ngọt từ Biển Hồ (Campuchia) chảy sang và nước mặn từ biển tràn lên.
Khoảng tháng 1 đến tháng 3 âm lịch là thời điểm cá bông lau từ biển “chạy” về Biển Hồ sinh sản, đây là lúc các cư dân tại cù lao Tân Lộc đón đầu đánh bắt cá bông lau hiệu quả nhất.
Thời điểm đánh bắt thường là khi nước lớn từ hạ nguồn dâng lên. Thường thì đánh bắt vào những con nước ban đêm sẽ “trúng cá” nhiều hơn ban ngày.
Cá bông lau bị đánh bắt thường có trọng lượng 2- 3kg rất được thương lái ưa chuộng vì chất lượng thơm ngon, nhiều đạm, dễ chế biến những món ăn bình dân lẫn cao cấp.
Những năm trở lại đây, cá bông lau xuất hiện rất rầm rộ bằng phương pháp nuôi trong ao mương và cho ăn thức ăn công nghiệp, nhiều nhất là ở huyện Cù Lao Dung và Long Phú (Sóc Trăng).
Tuy nhiên theo đánh giá chung của nhiều thương lái, cá bông lau trong ao mương thịt không săn chắc, không thơm, độ đạm ít, có mùi tanh nên giá bán thường chỉ khoảng 50% so với giá bán cá bông lau tự nhiên trên sông.
Cụ thể ở các năm 2017, 2018, 2019, giá cá bông lau nuôi bán tại ao khoảng 130.000 đ/kg trong khi cá bông lau thiên nhiên có giá trên 270.000 đ/kg.
Cá bông lau là loài cá hệ da trơn, có tên khoa học là Pangasius Krempfy, thuộc chi cá tra (Pangasius). Con to có thể nặng đến 15kg, thân hình giống như cá ba sa, cá dứa nhưng dáng thon, dài, da trắng mịn, nổi bông phấn, khi gặp ánh nắng mặt trời màu sắc ánh lên như cái bông lau sậy (nên có tên là cá bông lau).
Cá bông lau có 2 loại: đuôi đỏ và đuôi vàng. Loại nào cũng thơm ngon, ít mỡ, thịt săn chắc, không mùi tanh. Cá bông lau thuộc loài di trú và là đặc sản của dòng sông Mekong, hiện được xếp vào loại quý hiếm.
Nhiều lão ngư cho biết: Cá bông lau thích sống ở sông sâu- nhất là nơi giáp nước. Chúng thường kéo nhau thành bầy đi kiếm ăn vào thời điểm nước rong ban đêm, trời êm, ít tàu bè qua lại.
Có rất nhiều phương pháp đánh bắt loại cá đắt tiền này như: chài, lưới, câu cần và câu giăng nhưng hiện nay chỉ tồn tại một cách đánh bắt duy nhất là thả lưới.
Về lưới bắt cá cũng có 2 loại. Lưới đèn (có gắn đèn trên phao) dành để bắt cá chạy luồng trên; lưới ngầm thì cho lưới chìm sâu xuống nước, bắt được nhiều cá to. Cứ khoảng 1- 2 giờ đồng hồ là thăm lưới một lần. Nếu có cá to, ngư dân phải chạy ghe vào bờ để cá không chết, vì cá chết bán sẽ mất giá.
Ông Đặng Minh Tâm- người đã có 40 năm đánh bắt cá bông lau tại cù lao Tân Lộc- kể thêm: Một số nơi dùng nhiều loại mồi để “nhử” cá bông lau như: ruột gà, dán, dế cơm, cá ủ; cá kết, cá duồn, cá sửu, tép sống... nhưng tại Tân Lộc thì không dùng mồi câu. Muốn khai thác có hiệu quả phải nắm bắt quy luật về con nước, thời điểm giăng lưới, luồng cá chạy…
Tuy nhiên đó là thời hoàng kim trong quá khứ bởi hiện nay, cá bông lau đã dần cạn kiệt. Mới đây ông Tâm đã đánh bắt được một con cá bông lau có trọng lượng trên 7kg bán cho thương lái với giá 280.000 đ/kg nhưng đây là con cá bông lau duy nhất mà ông đánh bắt được suốt 2 tháng qua.
Riêng 6 hộ “đồng nghiệp” cùng xóm thì vẫn trắng tay. Hiện các hộ này đã có phương án chuyển nghề mưu sinh.
Nhìn những chiếc ghe từng vào ra sông Tiền để đánh bắt cá bông lau nay đã “gác máy” vì quá hiếm hoi những con cá bông lau, chúng tôi quá chạnh lòng và luôn nhớ về những khoảnh khắc hiếm hoi xưa được theo chân đoàn quân đánh bắt cá bông lau hành nghề trên cù lao Tân Lộc.