48.000 công ty con thuộc 96 doanh nghiệp nhà nước đã báo cáo tỷ lệ quay lại sản xuất là 91,7%, theo Ủy ban giám sát tài sản quốc gia Trung Quốc. Trong đó, ngành dầu khí, thông tin liên lạc, công nghiệp vận tài và sản xuất điện có tỷ lệ quay lại sản xuất trên 95%. Con số này được báo cáo ngay sau khi dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy chỉ số quản lý thu mua PMI sản xuất của Trung Quốc rơi vào vùng suy yếu kỷ lục là 35,7 - mức thấp nhất mọi thời đại. (Chỉ số PMI trên 50 phản ánh sự mở rộng của ngành còn dưới 50 phản ánh sự thu hẹp).
Vào đợt khủng hoảng tài chính 2008, số liệu PMI sản xuất tồi tệ nhất của Trung Quốc khi đó chỉ tụt xuống 38,8. Nghĩa là tác động của dịch virus corona gây ra cho ngành sản xuất Trung Quốc nhiều khả năng còn tồi tệ hơn khủng hoảng toàn cầu hồi năm 2008.
Cục Thống kê Quốc gia cũng công bố dữ liệu PMI khu vực phi sản xuất (tức dịch vụ và xây dựng) tháng 2 giảm xuống 29,6 từ mức mở rộng 54,1 hồi tháng 1. Đây cũng là mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ mà cơ quan này ghi nhận.
So với hơn 90% các doanh nghiệp sở hữu nhà nước quay lại làm việc, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thuộc sở hữu tư nhân của Trung Quốc lại không chứng kiến sự lạc quan như vậy. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Zhang Kejian cho biết hồi tuần trước rằng chỉ có khoảng 30% SMEs đã vận hành trở lại, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước.
Đáng chú ý, SMEs mới là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc, tạo ra hơn 80% việc làm và đóng góp khoảng 60% GDP. Trong khi báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 7/2019 cho thấy các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 23-28% trong GDP quốc gia và tạo ra khoảng 5-16% việc làm. Điều này đồng nghĩa với việc dù hơn 90% doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vận hành trở lại, đa số nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng trì trệ, chưa thể khôi phục hoàn toàn năng lực sản xuất kinh doanh.
Cũng theo Thứ trưởng Zhang Kejian, Chính phủ Bắc Kinh đang tìm cách hỗ trợ các SMEs bằng nhiều biện pháp như cắt giảm lãi suất, giảm giá điện và năng lượng, hỗ trợ hoãn nộp phí bảo hiểm xã hội… Bắc Kinh cũng dự kiến sẽ công bố thêm những gói kích thích kinh tế trong nỗ lực bắt kịp các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra trong năm 2020 như mở rộng gấp đôi quy mô GDP giai đoạn 2010-2020, đáp ứng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát công bố trong Đại hội Nhân dân Quốc gia trước đó.
Trong bối cảnh các nhà phân tích đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP quý I Trung Quốc từ 6% xuống dưới 4%, Bắc Kinh được dự đoán sẽ tung thêm nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế để bắt kịp tham vọng thập kỷ tăng gấp đôi quy mô GDP giai đoạn 2010-2020.
Trước khi Cục Thống kê Quốc gia công bố dữ liệu PMI sản xuất và dịch vụ tháng 2; đa số các chuyên gia dự đoán chính quyền Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thận trọng trong việc tung các gói kích thích lớn như hồi khủng hoảng tài chính 2008 trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng nợ quốc gia hơn 310% GDP đang đè nặng lên nền kinh tế.
Nhưng những dự đoán đã thay đổi khi dữ liệu PMI sản xuất và dịch vụ Trung Quốc tháng 2 được công bố, cho thấy mức thấp nhất mọi thời đại, tồi tệ hơn cả hồi khủng hoảng tài chính năm 2008. Có nghĩa là để đạt được mục tiêu kinh tế xã hội lớn đã đề ra, chính quyền ông Tập Cận Bình có thể phải hành động nhiều hơn.
Tất nhiên, “hành động nhiều hơn” không đồng nghĩa với việc lặp lại kịch bản tung gói kích thích quy mô khổng lồ 4 nghìn tỷ NDT (khoản 537 tỷ USD) vào nền kinh tế khiến nợ quốc gia tăng đột biến như hồi khủng hoảng 2008. Nhưng những gói kích thích, viện trợ cho ngành và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona là hoàn toàn có thể.
Bên cạnh đó, chính quyền Tập Cận Bình cũng đang cân nhắc nhiều cách khác để giảm bớt tác động từ sự bùng phát dịch virus corona đến nền kinh tế. Hồi tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và cả lãi suất cơ bản để giảm chi phí vay cho các doanh nghiệp, kích thích tín dụng và đầu tư. Bộ Tài chính cũng ủy quyền cho các chính quyền địa phương tung gói vay 290 tỷ NDT thông qua hình thức trái phiếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng.
Nhà phân tích Liu Xuezhi của Ngân hàng Truyền thông dự đoán Ngân hàng Trung Ương sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa hơn nữa trong các tuần tiếp theo trong nỗ lực hồi phục nền kinh tế. Bên cạnh đó, chính quyền Tập Cận Bình có khả năng sẽ mở rộng mục tiêu thâm hụt ngân sách, cho phép phát hành thêm những trái phiếu đặc biệt để tài trợ cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, theo ông Liu.
“Về mặt chính sách tiền tệ, vẫn cần tiếp tục cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đảm bảo tiền chảy vào nền kinh tế thực, giúp doanh nghiệp giảm tương đối chi phí vay” - Nhà phân tích Liu Xuezhi.
Li Huiyong, phó tổng giám đốc của Huabao WP Management Management, cho biết ông dự kiến các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn sẽ được Bắc Kinh thực hiện trong tháng này, bao gồm cắt giảm lãi suất và các gói tín dụng tiếp theo.
Nhìn chung, sự suy yếu trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý I giờ đây là điều không thể tránh khỏi, theo nhận định của PIMCO, một trong những nhà quản lý quỹ lớn nhất thế giới. Do đó, khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ nỗ lực đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra trong năm nay bất chấp sự bùng phát của dịch virus corona, các nhà phân tích kinh tế hầu hết tỏ ra nghi hoặc.