Dân Việt

Dịch Covid-19 "thổi bay" 110 tỷ USD doanh thu hàng không, nền kinh tế cũng yếu theo

Minh Hiếu 11/03/2020 16:43 GMT+7
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 lan rộng đã làm cho nền kinh tế sụt giảm nặng nề, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ lao đao ở bờ vực phá sản. Trong đó, ngành hàng không toàn cầu bị thiệt hại nặng nề khiến doanh thu có thể sụt giảm lên hơn 110 tỷ USD.

Hàng không thiệt hại 110 tỷ USD vì Covid-19

Từ việc dịch Covid-19 đang lan rộng, mấy chục chiếc máy bay của các hãng đã phải ngừng hoạt động và phải chi trả tiền thuê máy bay từ 0,4 triệu đến 1 triệu USD/tháng (thiệt hại hàng chục triệu USD/tháng). 

Cục hàng không Việt Nam ước tính các hãng hàng không bị thiệt hại 25.000 tỷ doanh thu trong năm nay. Tuy nhiên, do những bất lợi của dịch Covid-19 đang lan rộng đã làm cho ngành hàng không tiếp tục lao dốc, thiệt hại trầm trọng hơn.

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (IATA) cũng vừa phải nâng mức cảnh báo thiệt hại hàng không toàn cầu lên hơn 110 tỷ USD, so với con số thiệt hại 29 tỷ USD mà tổ chức này đưa ra cách đây không lâu.

Dịch Covid-19 "thổi bay" 110 tỷ USD doanh thu hàng không, nền kinh tế cũng yếu theo - Ảnh 1.

Ngành hàng không thế giới thiệt hại 110 tỷ USD vì dịch Covid-19

Theo số liệu tính toán trên thế giới cho thấy hàng không tăng trưởng 2 – 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Có thể nói, những khó khăn, thiệt hại của ngành hàng không đã khiến kinh tế toàn cầu suy thoái nhanh hơn. Trong sự phát triển kinh tế của xã hội, ngành hàng không đóng vai trò rất quan trọng để kích cầu tăng trưởng và là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương… Chính vì vậy, nói như một chuyên gia kinh tế thì hàng không 'sổ mũi' sức khỏe nền kinh tế cũng yếu theo.  

Tại sao lại nói như vậy? Bởi ngành hàng không là con đường rộng nhất, nhanh nhất rút ngắn khoảng cách của mỗi quốc gia với thế giới. Ở Việt Nam, hàng không tư nhân đã biến ước mơ bay của người dân thành hiện thực. Từ chỗ chỉ 1-2% dân số có thể bay do giá vé quá đắt đỏ, hiện nay, với giá vé rẻ và chính sách vé 0 đồng, ai cũng có cơ hội bay. Năm 2019, các cảng hàng không Việt Nam đã đón 116 triệu lượt khách hàng không.

Bên cạnh đó, hàng không đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương có các đường bay. Nhiều tỉnh, thành kinh tế, du lịch…. phát triển vượt bậc nhờ có hàng không như Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Kiên Giang (Phú Quốc)…

Trong năm 2019, tính riêng ngành hàng không cũng đã đóng góp rất quan trọng trong việc bùng nổ du lịch, giúp đạt doanh thu hơn 30 tỷ USD. Xưa nay hàng không và du lịch được ví như hai cánh bay, hàng không yếu, du lịch cũng lao đao.  

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không (VNA group; Vietjet; ACV; VATM; Bamboo) trực tiếp tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng trong năm 2019 (trong đó Vietnam Airline và Vietjet nộp ngân sách lớn nhất trong ngành). Vì vậy, hàng không gặp khó, ngân sách sẽ thất thu.

Cần khẩn cấp giảm thuế, phí để giải cứu hàng không

Trước những khó khăn giữa tâm dịch Covid-19, tại Chỉ thị số 11 ban hành cuối tuần qua, người đứng đầu Chính phủ xác định hàng không và du lịch là 1 trong 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn các bộ, ngành, địa phương phải tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Trước đó, Cục Hàng không đã đề xuất giảm các loại phí, giảm thuế cho các hãng hàng không… Cụ thể, cơ quan quản lý, hãng hàng không và các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho hãng hàng không: Miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Giảm 70% giá đối với các khoản phí cất, hạ cánh (phí này đang là: Quốc tế từ 94 đến 1.295 USD/lần; Quốc nội từ 765.000 đến 11.600.000 đồng/lần); Phí phục vụ khách hàng không (Quốc tế từ 16 đến 25 USD/khách; Quốc nội từ 72.000 – 91.000 đồng/khách); Phí điều hành bay tại các cảng hàng không; Tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường…) đến hết năm 2020; ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không…

Dịch Covid-19 "thổi bay" 110 tỷ USD doanh thu hàng không, nền kinh tế cũng yếu theo - Ảnh 2.

Ngành hàng không khó khăn vì Covid-19, cần được hỗ trợ giảm thuế, phí

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (đơn vị đang quản lý, khai thác kinh doanh 21/22 cảng hàng không ở Việt Nam) cũng được yêu cầu rà soát, chủ động hỗ trợ, cho các hãng kéo dài thời gian thanh toán hàng hóa, dịch vụ; áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá, khung phí cho thuê quầy làm thủ tục, thuê mặt ở nhà ga… Đây là những khoản hỗ trợ rất hữu ích cho các hãng hàng không.

Đặc biệt, để giảm chi phí đi lại cho hành khách, người dân, kích cầu hàng không, du lịch, giải pháp miễn khoản phí phục vụ và phí an toàn hàng không cho hành khách (hãng hàng không thu hộ cho các cảng hàng không) cũng đã được đề xuất và nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế.

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp thắt lưng buộc bụng, gồng mình chống dịch nhưng các hãng hàng không đang lao đao, ngấm đòn của dịch Covid-19. Lúc này, các hãng hàng không đang rất cần các bộ, ngành ra tay hỗ trợ giảm các loại thuế, phí. 

Nói như PGS, TS Trần Đình Thiên thì lúc này nền kinh tế và doanh nghiệp đang rất khó khăn, Chính phủ cần giảm thu, mạnh tay chi hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi, phát triển kinh tế. "Quan trọng là phải khẩn cấp hỗ trợ ngay hàng không và một số ngành quan trọng khác, tránh chậm trễ như thời gian qua", ông Thiên nói.