Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ ban hành. Tổng số tiền hỗ trợ dự kiến lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Sau khi đọc dự thảo, không ít ý kiến thắc mắc về những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được giãn thuế cũng như vì sao Bộ Tài chính chỉ đồng ý gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất chứ không đưa ra phương án miễn thuế, giảm thuế để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhận định trong hình thức hỗ trợ thuế sẽ có các mức độ miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế và hoãn thuế. Với tình hình kinh tế của Việt Nam và mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện tại, Bộ Tài chính tính đến phương án gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất là hợp lý.
Theo ông Ánh, giãn thuế, hoãn thuế chủ yếu là giảm gánh nặng tài chính tạm thời cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình tài chính của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ có những phương án hỗ trợ đi kèm.
TS. Vũ Đình Ánh cũng đưa ra ví dụ, 3 nhóm đối tượng được Bộ Tài chính giãn hoãn thuế chủ yếu là những doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nguồn vốn tài chính nhỏ, chịu tác động trực tiếp từ Covid-19 như nông nghiệp, du lịch, thủy sản, vận tải... Còn những công ty lớn, tập đoàn lớn tuy cũng bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch Covid-19 nhưng họ chưa lâm vào trạng thái khó khăn về tài chính đến mức nặng nề như doanh nghiệp nhỏ, nên chưa được hưởng ưu đãi về nghị định này, dành ưu tiên cho những người khó khăn hơn.
"Ở đây, khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải là vấn đề tạm thời, một khi dịch bệnh Covid-19 được dập tắt, doanh nghiệp phục hồi tình hình kinh doanh thì họ sẽ có khả năng thanh toán các khoản thuế đã được giãn", ông Ánh phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, Bộ Tài chính sẽ tính đến phương án giảm, miễn thuế trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng thanh toán thuế, giống như trường hợp xóa nợ thuế.
"Mức độ ảnh hưởng kinh tế của Việt Nam bởi dịch Covid-19 không thiệt hại bằng Trung Quốc, nên Việt Nam lựa chọn phương án dãn, giảm thuế vào thời điểm này là hợp lý", ông Ánh phân tích.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện tại, nhiều ngành, lĩnh vực đã bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải có giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đề xuất các đối tượng sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế bao gồm doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình sản xuất trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; trang phục; giày, dép; sản phẩm từ cao su; sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, hoạt động hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; du lịch… cũng thuộc nhóm được gia hạn thời gian nộp thuế.
Căn cứ các quy định hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế tối đa 5 tháng cho các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Với thời gian này, Bộ Tài chính đã tính toán đến thời điểm phục hồi sản xuất kinh doanh của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.