Doanh nghiệp nào được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay vì Covid-19
Theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa ban hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại được nắm quyền tự quyết tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 phải đáp ứng đủ ba tiêu chí:
Thứ nhất, phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, các ngân hàng là người quyết định cho vay nên sẽ chủ động quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng. Tuy nhiên, thời gian gia hạn trả nợ tối đa là 12 tháng tính từ ngày cuối cùng khách phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi.
Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại tự quyết định việc miễn giảm lãi, phí với khoản cho vay thuộc đối tượng được tái cơ cấu.
Các khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay miễn giảm lãi cũng sẽ được ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ. Đối với lãi phải thu của những khoản dư nợ này, ngân hàng không phải hạch toán lãi dự thu mà theo dõi ngoại bằng để đôn đốc thu, hạch toán vào thu nhập khi thu được.
Về phía Ngân hàng thương mại, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh, đây là hành lang pháp lý quan trọng để ngân hàng một mặt cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ nghĩa là không phát sinh đột biến nợ xấu.
Mặt khác, tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục cho vay mới đối với dự án phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong thời gian tới. Về mức độ giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng này, theo ông Thành tùy theo khả năng tài chính của mỗi ngân hàng. Vơis Vietcombank mức giảm miễn lãi từ 1-1,5%/năm đối với dư nợ VND và 0,5%/năm đối với dư nợ ngoại tệ
Thời gian áp dụng còn quá ngắn?
Việc ban hành Thông tư 01 của NHNN được giới chuyên gia nhìn nhận là rất tích cực và kịp thời bởi trong bối cảnh hiện nay khi doanh nghiệp vừa được giãn, giảm thuế nếu được tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay sẽ là điều kiện tốt để cho các doanh nghiệp vực dậy sau "bão" dịch Covid-19.
TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, điểm tích cực nhất trong Thông tư của Ngân hàng Nhà nước là giao quyền tự chủ cho các ngân hàng thương mại, ngân hàng là người cho vay nên được chủ động tái cơ cấu nợ, giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp trở lại hoạt động và khỏe mạnh trở lại là cần thiết. Đó là chia sẻ rất thiết thực của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Đồng thời, Thông tư này cũng không giới hạn các lĩnh vực nhận được hỗ trợ. Bởi trên thực tế, tác động liên thông giữa các ngành, hầu hết lĩnh vực bị ảnh hưởng. Vì vậy, kể cả doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đều có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng nếu đủ điều kiện của các ngân hàng.
Đáng chú ý, Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước áp dụng đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đây là biện pháp hợp lý bởi không áp dụng cho những khoản nợ cũ trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để có thể hồi phục hồi phục lại, có doanh thu để trả nợ thì doanh nghiệp phải cần ít nhất từ 6 tới 1 năm. Vì vậy, Thời gian có hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng công bố hết dịch theo vị chuyên gia này là chưa đủ.
"Đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt bởi hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn vì vậy chưa thể xác định được chính xác mức độ thiệt hại của doanh nghiệp đến đâu. Nếu dịch bệnh kéo dài, ngân hàng cần mở rộng thời gian thông tư có hiệu lực, không phải là 3 tháng sau khi công bố hết dịch. It nhất 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo các doanh nghiệp có đủ điều kiện hỗ trợ tốt nhất", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cũng cho rằng, việc ban hành Thông tư 01 đối tượng hưởng lợi không chỉ có các doanh nghiệp mà ngân hàng cũng đang "tự cứu mình". Ngân hàng hy sinh lợi nhuận trước mắt, tránh được nợ xấu cũng như những hệ lụy do nợ xấu gây ra do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Hồ hởi khi biết Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định về tái cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi nhưng đại diện một doanh nghiệp vẫn lo lắng, không biết doanh nghiệp mình có nằm trong danh sách hỗ trợ của các ngân hàng hay không mặc dù đến thời điểm này doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản.
"Chúng tôi rất mong muốn được ngân hàng đồng hành, chia sẻ trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, không biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi có được ngân hàng hỗ trợ không hay các ngân hàng ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn?", vị lãnh đạo này đặt câu hỏi.
Trong khi đó, giám đốc của một công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội thừa nhận, nếu không có chính sách này nhiều doanh nghiệp ngành du lịch đến kỳ sẽ không trả được nợ và có thể dẫn tới phá sản. Tuy nhiên, nếu được Ngân hàng Nhà nước cần quy định mức giảm lãi suất trong Thông tư này.
"Doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp lớn ảnh hưởng kiểu lớn, doanh nghiệp nhỏ ảnh hưởng kiểu nhỏ. Thế nhưng, dù sao doanh nghiệp lớn tiềm lực của họ khá tốt và khả năng chống đỡ với Covid-19 tốt hơn còn các doanh nghiệp nhỏ dễ tổn thương bởi doanh nghiệp nhỏ chỉ trông chờ vào doanh thu thường xuyên.
Tuy nhiên, trong Thông tư không quy định mức giảm lãi vay cho các doanh nghiệp là bao nhiêu mà phụ thuộc vào chính sách của các ngân hàng thương mại, cũng là cái khó. Trước đây vay 10% thì bây giờ giảm xuống còn 9%, vẫn là quá cao với các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa như chúng tôi. Mong muốn được vay với lãi suất bằng lãi suất huy động, vừa hợp lý với doanh nghiệp mà các ngân hàng không lỗ", vị này nhấn mạnh.