Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu WTI trên sàn giao dịch hàng hóa New York đứng ở mức 22,63 USD/thùng, giảm 8,63%. Dầu thô Brent sau khi giảm xuống mức thấp nhất 24,52 USD/thùng, thấp nhất kể từ năm 2003 đã bật trở lại và hiện đang đứng ở mức 26,98 USD/thùng.
Dầu thô và dầu Brent của Mỹ đều "bốc hơi" khoảng 40% trong hai tuần qua kể từ khi cuộc đàm phán giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga, dẫn đầu Ả Rập Xê Út.
Việc giá dầu giảm xuống mức thấp trong 18 năm qua, theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), do 2 mối lo ngại.
Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp làm cho sản xuất nhiều ngành gặp khó khăn, cùng với đó tình hình giao thông vận tải đình trệ… Những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tiêu thụ xăng dầu, từ đó làm cho giá dầu giảm gần như là thẳng đứng.
Thứ hai, cung vượt cầu sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu Ả Rập Xê Út tăng sản lượng và giảm giá để tăng doanh số cho người tiêu dùng ở châu Á và châu Âu.
Theo dự báo, giá vàng có thể xuống tới mức 10 USD/thùng. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, giá dầu sẽ xuống thấp và giữ ở mức như vậy một thời gian nhưng sau đó có thể sẽ hồi phục.
Đối với Việt Nam, việc giá dầu liên tục sụt giảm, theo PGS.TS Ngô Trí Long sẽ khiến cho ngân sách hụt thu lớn.
Ông Long phân tích, hiện Việt Nam xuất khẩu dầu thô nhưng đồng thời nhập khẩu xăng dầu và nhập khẩu dầu thô để chế biến.
Trong đó, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 8% trong nguồn ngân sách hàng năm. Vì vậy, khi giá dầu giảm, đóng góp từ dầu thô vào ngân sách cũng sẽ sụt giảm.
Đơn cử như theo tính toán ban đầu về dự kiến doanh thu của Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN), mức giá dầu vào khoảng 50-60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô của PVN là 4,668 tỷ USD. Trong khi đó, nếu giá dầu trung bình cả năm giảm còn 30 USD/thùng, doanh thu bán dầu của tập đoàn sẽ giảm khoảng 2,35 tỷ USD. Cùng với đó, nộp Ngân sách Nhà nước từ dầu thô cũng giảm 800 triệu USD.
Ngoài việc ngân sách hụt nguồn thu từ dầu thì nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu cũng giảm vì vậy sẽ tạo lên tác động rất lớn đề nguồn thu ngân sách.
Đánh giá tác động của của việc giá dầu giảm "sốc" tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế năm 2020, vị chuyên gia này cho rằng, giá dầu sụt giảm sẽ là tín hiệu tốt cho CPI nhưng ngược lại, tăng trưởng kinh tế lại đối mặt với áp lực không hề nhỏ.
"Dầu mỏ là 1 trong những yếu tố có các tác động lớn đến tăng trưởng. Ví dụ có thời kỳ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu, chúng ta đã đào thêm dầu để đi bán nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến thời điểm này khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cộng với việc giá dầu xuống thấp kỷ lục 18 năm đòi hỏi Chính phủ cần điều chỉnh lại chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tăng trưởng", ông Long nhấn mạnh.
Bàn về giải pháp vượt qua khó khăn kép "Covid-19 và giá dầu giảm", ông Long cho rằng, ngành Dầu khí phải xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng dầu khí từ đầu năm. Đặc biệt, trong bối cảnh giá dầu giảm như vậy thì tăng sản lượng sẽ bị lỗ nên những mỏ dầu nào có chi phí giá thành khai thác quá cao thì nên tạm thời dừng lại bởi nếu tiếp tục khai thác mà bán tài nguyên giá rẻ cũng không được. Như vậy là kém hiệu quả.
Đồng thời, xem xét phương án mua dự trữ dầu thô nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, cần phải đánh giá một cách cụ thể hơn về tiềm lực tài chính cũng như đánh giá về những nguy cơ. Bởi nếu nhập dầu về dự trữ thì kho đủ khả năng dự trữ đến đâu, đặc biệt thời gian giảm giá dầu sẽ kéo dài trong bao lâu, nếu nhập về giá vẫn tiếp tục giảm sâu, kéo dài thì rất nguy hiểm.
"Trong trường hợp các doanh nghiệp ngành Dầu khí bố trí được hạ tầng dự trữ dầu và thực hiện mua dầu vào thời điểm hợp lý thì Nhà nước nên cho doanh nghiệp vay vốn mua dầu với lãi suất ưu đãi. Đây là một trong những phương án hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp ngành Dầu khí", vị chuyên gia này khuyến nghị thêm.