Dân Việt

Điêu đứng vì dịch Covid-19, các hãng hàng không vẫn còng lưng "gánh phí" từ ACV

Ngọc Lâm 25/03/2020 07:16 GMT+7
Hiếm có công ty nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng đạt biên lợi nhuận khủng như ACV khi thu về 2 đồng, lợi nhuận tới 1 đồng. Một trong những nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ACV chính là những khoản phí phải nộp từ các hãng hàng không. Trong bối cảnh điêu đứng vì dịch Covid-19, khoản phí này trở thành gánh nặng

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang gây xôn xao dư luận khi có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và Cục hàng không Việt Nam về việc Bamboo Airways chậm thanh toán tiền dịch vụ và đang nợ 205 tỷ đồng.

Quyết định này của ACV được đưa ra trong bối cảnh ngành hàng không thế giới nói riêng và hàng không Việt Nam nói chung lao đao vì đại dịch Covid-19. Đặc biệt, ACV là một trong các đơn vị đang đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ các hãng bay.

Và đặc biệt hơn nữa, ACV ráo riết đòi nợ trong khi sở hữu khối tiền mặt khổng lồ và chưa đưa Bamboo Airways vào danh sách nợ xấu (theo báo cáo tài chính 2019, báo cáo mới nhất được công bố).

Ráo riết đòi nợ Bamboo Airways nhưng dường như ACV lại "quên" Vietnam Airlines, đơn vị sở hữu nợ "khủng" hơn cả Bamboo Airways.

Thu 2 đồng lãi 1 đồng

Hiếm có công ty nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng đạt biên lợi nhuận khủng như ACV. Công ty thu về 2 đồng và có thể kiếm được lợi nhuận tới 1 đồng.

Chưa đưa Bamboo Airways vào nợ xấu ACV đã đòi ráo riết nhưng lại "quên" Vietjet, VNA - Ảnh 1.

Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu (%) của ACV cao vượt trội so với Vietjet và Vietnam Airlines.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 4 hợp nhất năm 2019 của ACV, trong quý 4/2019, ACV đạt doanh thu và lợi nhuận 4.813 tỷ đồng và 2.435 tỷ đồng. Nghĩa là, 2 đồng doanh thu đã mang về cho ACV 1 đồng lợi nhuận trong quý 4. Tính chung cả năm, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn một chút nhưng vẫn là con số rất cao, 2,2 đồng doanh thu mang về 1 đồng lợi nhuận.

Nói cách khách, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu tại ACV lên đến 45,5%, cao hơn rất nhiều so với các hãng hàng không, những đơn vị mang lại phần lớn nguồn thu cho ACV nhờ các khoản thuế phí.

Ví dụ, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu tại Vietjet và Vietnam Airlines lần lượt chỉ là 8,1% và 2,5%. Nghĩa là tỷ lệ thu lời tại ACV cao gấp 5,6 lần Vietjet và cao gấp 18,2 lần Vietnam Airlines.

Khả năng sinh lời quá lớn của ACV giúp ông lớn ngành hàng không tích trữ được lượng tiền khổng lồ. Tại thời điểm 31/12/2019, ACV có tới 350 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Đáng chú ý hơn, ACV sở hữu 30.922 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (đa số là tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 12 tháng).

ACV thường xuyên là một trong những "đại gia" Việt sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, lớn vượt trội so với Vietjet và Vienam Airlines. Hai hãng hàng không này lần lượt có 6.076 tỷ đồng và 5.055 tỷ đồng.

Ráo riết đòi nợ Bamboo Airways, "quên" Vietnam Airlines

Trong bối cảnh đang sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng khổng lồ, ACV lại ráo riết đòi nợ Bamboo Airways. Đáng nói, hiện tại, Bamboo Airways nói riêng và các hãng hàng không Việt nói chung như Vietjet hay Vietnam Airlines đang lao đao do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Hơn bao giờ hết, hàng không Việt đang rất cần hỗ trợ để tránh phá sản. Bản thân ACV cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ ngành hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dù các biện pháp này được đánh giá là "làm cho có".

Thế nhưng, ACV quyết tâm "cứng rắn" với Bamboo Airways, bất luận cái tên Bamboo Airways chưa từng lọt vào danh sách "Nợ xấu" của ACV (tính tới thời điểm 31/12/2019).

Chưa đưa Bamboo Airways vào nợ xấu ACV đã đòi ráo riết nhưng lại "quên" Vietjet, VNA - Ảnh 2.

Trong 4 hãng hàng không nội, tỷ trọng nợ/phải thu ngắn hạn tại ACV của Bamboo Airways là thấp nhất.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019 của ACV, tại thời điểm 31/12/2019, tổng nợ xấu của ACV là 29,9 tỷ đồng. ACV đã phải dành 29,9 tỷ đồng để trích lập dự phòng. Trong đó, Air Mekong, hãng hàng không đã dừng bay đứng đầu với 25,9 tỷ đồng.

Ngoài Air Mekong, các công ty khác góp mặt trong danh sách nợ xấu của ACV còn có hãng hàng không SW Italia Spa (Nội Bài), hãng hàng không Transaero Airlines, CTCP Thông tin Du lịch Việt Nguồn (ĐN), CTCP Quảng cáo Đông Dương (Tuy Hòa), CTCP Hiệp Hòa Phát (Tuy Hòa) và công ty Interbrand (CHK Liên Khương).

Như vậy, có thể thấy, tới cuối năm 2019, Bamboo Airways không có tên trong danh sách nợ xấu của ACV. Nợ xấu có trong báo cáo của ACV được định nghĩa là "Tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi".

Không có trong danh sách nợ xấu, Bamboo Airways "ngang hàng" cùng Vietjet và Vietnam Airlines và cả Jetstar Pacific ở chỉ tiêu "Phải thu của khách hàng ngắn hạn". Số phải thu của Bamboo Airways tăng từ 100 triệu đồng hồi đầu năm lên 130 tỷ đồng.

Khoản phải thu của ACV tại Vietjet, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cao hơn rất nhiều, lần lượt là 646 tỷ đồng, 622 tỷ đồng và 139 tỷ đồng. Jetstar Pacific là hãng duy nhất trong 4 hãng kể trên có khoản phải thu giảm từ 152 tỷ đồng xuống 139 tỷ đồng.

Tỷ trọng nợ trong tổng phải thu ngắn hạn tại ACV  của Bamboo Airways, Vietjet, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific lần lượt là 5,2%, 24,8%, 25,7% và 5,5%.