Dân Việt

Phụ thuộc “nồi cơm” tín dụng, lợi nhuận ngân hàng "lung lay” vì Covid-19

Huyền Anh 28/03/2020 09:00 GMT+7
Báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy các ngân hàng vẫn “sống” dựa vào "nồi cơm" tín dụng là chủ yếu, khi tốc độ tăng trưởng cũng như tỷ lệ đóng góp của thu nhập từ lãi có xu hướng tăng trở lại. Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng phải cân nhắc lại kế hoạch kinh doanh trong năm nay.

Báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy các ngân hàng vẫn "sống" dựa vào "nồi cơm" tín dụng là chủ yếu, khi tốc độ tăng trưởng cũng như tỷ lệ đóng góp của thu nhập từ lãi có xu hướng tăng trở lại. Theo đó,  chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng và đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) sẽ "chậm lại" vì dịch Covid-19.

Phụ thuộc “nồi cơm” tín dụng, lợi nhuận ngân hàng "lung lay” vì Covid-19 - Ảnh 1.

Chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng và đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) sẽ "chậm lại" vì dịch Covid-19.

Phụ thuộc "nồi cơm" tín dụng, lợi nhuận ngân hàng "lung lay" vì Covid-19

Tổng thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng của 26 ngân hàng trong năm 2019 đạt hơn 248 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018. Mức tăng này cao hơn mức tăng trưởng 16% của năm 2018 so với năm 2017.

Nếu xét về tỷ trọng đóng góp của thu nhập từ hoạt động tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng trong 3 năm trở lại đây có thể thấy, nguồn thu này luôn duy trì trên mức 75%. Trong đó, năm 2017, tỷ trọng này là 78%, năm 2018 xuống còn 75,5% và tăng lên xấp xỉ 76% vào năm 2019.

Trong khi đó, tổng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng có tỷ lệ đóng góp vào tổng thu nhập tăng từ 22% trong năm 2017 lên 25% trong năm 2018 và giảm về 24% trong năm 2019. Xét về giá trị tuyệt đối, tổng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng của các ngân hàng đạt gần 79 nghìn tỷ đồng trong năm 2019, tăng 19% so với năm 2018. Trước đó, tăng trưởng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng năm 2018 tăng mạnh hơn với mức tăng lên tới 31% so với năm 2017.

Những con số này cho thấy, cấu phần lợi nhuận, tín dụng - đầu tư vẫn là mảng đem về lợi nhuận áp đảo.

Đơn cử như tại quán quân lợi nhuận năm 2019 là "ông lớn" Vietcombank, thu nhập lãi thuần từ mảng tín dụng - đầu tư chiếm tới 75,6%.

Năm 2019, thu nhập lãi thuần từ mảng tín dụng - đầu tư chiếm tới 83,9% tổng thu nhập hoạt động của VPBank. VietinBank cũng phụ thuộc lớn vào mảng này với tỷ trọng 81,9%.

Bớt phụ thuộc hơn có thể kể đến như BIDV và MB với tỷ trọng lần lượt 74,7% và 73%.

Techcombank là ngân hàng ít phụ thuộc vào mảng tín dụng - đầu tư nhất với tỷ trọng chỉ 67,7%.

Tuy nhiên, nếu tính cả thu nhập từ nợ ngoại bảng, mảng tín dụng - đầu tư vẫn đem về trên 80% thu nhập hoạt động cho các ngân hàng kể trên, ngoại trừ Techcombank.

Theo phân tích của các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động đến ngành ngân hàng ở các khía cạnh quan trọng: Cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, nhất là 3 quý đầu năm 2020; tiềm ẩn nợ xấu tăng khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch, dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động. Tín dụng tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm 2020 là một dẫn chứng điển hình.

"Tín dụng vẫn là mảng chủ chốt, duy trì ở mức cao đã giúp nhiều nhà băng đạt được mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ trong năm qua. Dưới tác động của dịch bệnh khiến các ngân hàng phải cân nhắc lại kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Năm nay ngân hàng lãi một ít cũng đã rất vui rồi", Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Cũng phải nói thêm rằng, mặc dù mục tiêu lợi nhuận chưa được nhiều ngân hàng công bố, nhưng nhìn vào mức độ tăng trưởng tín dụng giảm cũng có thể thấy được bức tranh không mấy sáng sủa của ngành ngân hàng trong năm nay.

Trước tình hình trên, một số ngân hàng đã có động thái điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận. NamABank vừa công bố báo cáo thường niên năm 2019. Đáng lưu ý, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng giảm 13,47% so với năm 2019, ở mức 800 tỷ đồng.

Hay như trước đó, tại ĐHĐCĐ của BIDV, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết, BIDV vẫn giữ mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ là 12.500 tỷ đồng. Nhưng con số này được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất vào cuối tháng 3 này. Nếu tình hình kiểm soát dịch khó khăn và phức tạp hơn, BIDV sẽ linh hoạt, xây dựng kịch bản xấu hơn, có thể đề nghị ĐHCĐ giao quyền, báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để có điều chỉnh thích hợp.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cũng cho hay, tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền trong ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng nên giai đoạn này Ngân hàng quan tâm nhiều đến vấn đề cơ cấu lại nợ hơn là cho vay mới. Hiện có khoảng 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang hoành hành.

Với những diễn biến trên, có thể mục tiêu lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ phải điều chỉnh giảm so với dự kiến hồi đầu năm.   

"Rời" lịch ĐHĐCĐ vì Covid-19

Phụ thuộc “nồi cơm” tín dụng, lợi nhuận ngân hàng "lung lay” vì Covid-19 - Ảnh 3.

Hiện chỉ có một ngân hàng đã tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên 2020 là BIDV (diễn ra ngày 7/3/2020).

Trước ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của dịch Covid-19, theo dự báo của giới phân tích, kế hoạch lợi nhận năm 2020 sẽ là "tâm điểm" không thể thiếu trong mùa đại hội đồng cổ đông năm này của các ngân hàng.

Trong dự kiến ban đầu, cao điểm mùa ĐHĐCĐ ngành ngân hàng năm nay rơi vào nửa cuối tháng 4. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của NHNN, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các tổ chức tín dụng được yêu cầu cần chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh trên địa bàn xin ý kiến của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về việc tổ chức đại hội cổ đông/đại hội thành viên để có hình thức tổ chức phù hợp hoặc xin lùi thời điểm tổ chức, đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có thẩm quyền.

Đến nay, đã có 5 ngân hàng công bố "rời" lịch họp ĐHĐCĐ vì dịch Covid-19, gồm: Eximbank, Techcombamk, ACB, SeABank, MBBank. Hiện chỉ có một ngân hàng đã tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên 2020 là BIDV (diễn ra ngày 7/3/2020).