Sáng 10/4, tại điểm cầu Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới các mặt của đời sống do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trước tác động của tình hình dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp về chính sách tài khoá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Đề xuất gia hạn, miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến có khoảng 98% doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện được giãn thuế và tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan Thuế tạo điều kiện về mặt thủ tục cho các hộ và cá nhân kinh doanh khi kê khai tiền thuế khoán được miễn giảm do ngừng/nghỉ được tính trọn tháng kể cả trong trường hợp ngừng nghỉ không trọn tháng.
Thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, gồm: Thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; Điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô.
Dự kiến việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tới để quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020. Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Nếu thực hiện từ tháng 7/2020 thì dự kiến sẽ có khoảng 700 nghìn doanh nghiệp (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng).
Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm nay khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư điều chỉnh giảm giá 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Đề xuất giải pháp cân đối nguồn lực để đảm bảo chi ngân sách nhà nước
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trước khó khăn của hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại, đầu tư do tác động của đại dịch Covid-19, dự báo nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ giảm. Trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài. Tính riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng.
Bộ kiến nghị các địa phương, cần chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý. Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương.
Đối với cân đối ngân sách Trung ương, dự kiến dành 34,6 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách Trung ương, còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020.
Trong đó dự kiến dành 20.000 tỷ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14,6 nghìn tỷ đồng tiếp tục sử dụng để dành cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cân đối ngâ sách Trung ương.
Bộ Tài chính đề nghị sử dụng dự phòng ngan sách nhà nước triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách Trung ương, và ngân sách địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Trước tác động của Covid-19, Bộ Tài chính nhận định, khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6%GDP (tức là ở mức 5-5,1%GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi ngân sách nhà nước năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch.
Ngoài ra, đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB,...), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất.
Cam kết đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn đầu tư công
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá.
Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư. Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách năm 2020.
Giảm giá hàng hoá, dịch vụ đầu vào quan trọng
Bộ Tài chính thống nhất chủ trương giảm giá điện cho một số đối tượng chịu tác động bởi dịch Covid-19, nhưng kiến nghị EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí...), rà soát, tính toán lại chi phí mua điện năm 2020, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện vào để giảm giá.
Đối với các mặt hàng khác, như than, gas, xăng dầu: Hiện đã thực hiện điều hành theo cơ chế thị trường; trong đó, mặt hàng xăng dầu, gas tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4.
“Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra; đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp bổ sung khi cần thiết”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.