Theo đó, các phương tiện vận tải hành khách chỉ được di chuyển giữa các tỉnh, thành phố thuộc nhóm III (nhóm nguy cơ thấp) với nhau. Lộ trình vận chuyển không được qua địa phận các tỉnh, thành phố thuộc nhóm I và nhóm II (nguy cơ cao và có nguy cơ).
Trường hợp hành trình của xe có qua địa phận các địa phương thuộc nhóm I và II, sở GTVT địa phương có trách nhiệm yêu cầu đơn vị vận tải hành khách tạm thời dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới của Chính phủ, Bộ GTVT.
Tuy nhiên, việc sắp xếp các tuyến vận tải hành khách này cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của người dân về việc, các địa phương có nguy cơ thấp ở nhóm I chia cắt bởi địa phương có nguy cơ cao và có nguy cơ như nhóm I và nhóm II thì các phương tiện chở khách lưu thông như thế nào?.
Giải thích thêm về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các địa phương ở nhóm III mà bị chia cắt bởi nhóm I và nhóm II thì được di chuyển sang nhau. Đối tượng áp dụng của văn bản gồm tất cả phương tiện kinh doanh vận tải di chuyển liên tỉnh như xe khách, xe hợp đồng. Đối với hoạt động của xe taxi sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của sở GTVT địa phương.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, các chuyến xe liên tỉnh được phép hoạt động phải đáp ứng số lượng hành khách trên xe không quá 50% sức chứa và không quá 20 người trên 1 chuyến.
Bên cạnh việc hoạt động vận tải này, các nhà xe phải bố trí hành khách ngồi giãn cách, tất cả phải đeo khẩu trang, được khai báo y tế, kiểm tra y tế, rửa tay sát khuẩn trước khi lên xe. Xe phải được rửa, khử trùng trước và sau khi đón, trả khách.
Cụ thể, Sở GTVT của các tỉnh phải sắp xếp lại biểu đồ chạy xe trên các tuyến cố định liên tỉnh, đảm bảo cắt giảm tối thiểu 50% số chuyến, đồng thời theo dõi hoạt động của các phương tiện để xử lý vi phạm.