Dân Việt

Thống đốc Lê Minh Hưng: Không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng

Huyền Anh 23/04/2020 06:25 GMT+7
Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo, các tổ chức tín dụng phải cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.

Ngày 22/4/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tới tất cả các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước về tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm và các điểm cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có các đồng chí trong Ban Lãnh đạo NHNN, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, đại diện các tổ chức tín dụng trên địa bàn…

Thống đốc Lê Minh Hưng: Hỗ trợ tối đa nhưng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng - Ảnh 1.

Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ tối đa cho khách hàng nhưng không nới lỏng điều kiện cho vay

Tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, vừa qua, các tổ chức tín dụng (TCTD), hệ thống NHNN các tỉnh, thành phố đã vào cuộc quyết liệt để đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kết quả triển khai rất tích cực khi cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167 nghìn khách hàng với dư nợ gần 63 nghìn tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 12 nghìn tỷ; Hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 948 nghìn tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146,6 nghìn khách với doanh số vay mới đạt 511,3 nghìn tỷ đồng. Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 2,8 nghìn tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 517 nghìn khách hàng với dư nợ 18,8 nghìn tỷ.

Bên cạnh đó, miễn giảm phí thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn thể hiện sự chia sẻ đồng hành của cả hệ thống ngân hàng với nền kinh tế và khách hàng vay vốn.

Kết quả này là bước đi quan trọng để hệ thống TCTD kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá cao sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại trong hỗ trợ doanh nghiệp song Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho rằng, vẫn còn hiện tượng một số chi nhánh ngân hàng chậm vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, tập trung thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay… Việc hỗ trợ khách hàng không chỉ là trách nhiệm của ngân hàng với nền kinh tế mà còn là hỗ trợ cho chính các ngân hàng.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng yêu cầu, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế khuyến khích phù hợp để các chi nhánh, phòng giao dịch, các cán bộ tích cực hơn trong việc thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đồng thời, xử lý nghiêm các giám đốc chi nhánh nếu thiếu trách nhiệm, gây khó khăn phiền hà trong cơ cấu nợ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng trong những năm tới. Các ngân hàng phải lắng nghe và phải giải thích rõ ràng cho doanh nghiệp lý do vì sao không được vay vốn.

Ngoài việc hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng doanh nghiệp, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng lưu ý ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu nợ cho cả khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu nhập giảm sút.