Dịch bệnh Covid-19 đã có tác động ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại.. Trong đó, DN vận tải là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp buộc người dân hạn chế di chuyển, tập trung nơi đông người. Đặc biệt, trong gian đoạn 22 ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nguồn thu từ các hoạt động chở khách đều bị đóng băng.
Không nằm ngoài dòng xoáy tác động của đại dịch, "gã khổng lồ" gọi xe ở Đông Nam Á là Grab cũng là nạn nhân của virus Corona, khi chứng kiến mảng kinh doanh sụt giảm. Tuy nhiên, một trong những chia sẻ gần đây, CEO Grab, ông Anthony Tan đã tuyên bố công ty đủ tiền để sống dù suy thoái có kéo dài tới 3 năm.
Đẩy mạnh dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn và đi chợ hộ
Ông Anthony Tan cho biết, nhờ mô hình kinh doanh đa dạng - gồm cả mảng giao hàng hóa và thực phẩm đã giúp Grab giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Grab cũng đã ngay lập tức điều chỉnh sang một môi trường mới bằng việc mở rộng một vài phân khúc kinh doanh không liên quan tới vận tải để đáp ứng nhu cầu đang tăng và tìm mọi cách để đảm bảo các tài xế trên toàn bộ nền tảng vẫn có thu nhập.
Hiện tại, Grab hoạt động tại 339 thành phố trên 8 quốc gia ở châu Á, bao gồm Singapore, Malaysia và Indonesia. Gia nhập thị trường Việt Nam từ đầu năm 2014, chỉ sau hơn 5 năm hoạt động, Grab tuyên bố đã có đến 25% dân số Việt Nam (khoảng 24 triệu người, tính theo dân số Việt Nam năm 2019 là 96 triệu người) đang sử dụng dịch vụ Grab với 190.000 tài xế.
Grab đã thực sự chiếm lĩnh được lượng người dùng và phục vụ nhiều dịch vụ tiện ích đến người dân Việt. Trong 2 năm qua, Grab liên tục ra mắt các dịch vụ mới như: GrabFood (giao đồ ăn), GrabExpress (giao hàng), thanh toán (GrabPay), khách sạn, cho vay tiêu dùng,… Mới đây nhất là Grab nhảy vào làm cổng thông tin điện tử, Grab TV.
Với hệ thống liên kết cửa hàng phong phú, sản phẩm đa dạng, có nhiều ưu đãi về giá cả sản phẩm và phí giao hàng, dễ xử lí các đơn hàng hoàn trả và thay đổi, Grab nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng cũng như là lựa chọn để liên kết với các đơn vị bán lẻ thông qua các ứng dụng như đi chợ hộ, giao hàng, giao đồ ăn giúp Grab có thêm nguồn thu, giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Dù tăng trưởng trong mảng giao đồ cũng không thể bù đắp được những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nhưng Grab vẫn lạc quan về triển vọng thị trường.
CEO Anthony Tan thừa nhận rằng ở một vài quốc gia, tổng giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ bán trên các nền tảng (chỉ số GMV) đã giảm theo tỷ lệ 2 chữ số. Tuy nhiên, vận tải là một dịch vụ đại chúng cần thiết, vì vậy đại diện Grab tin rằng nó sẽ phục hồi mạnh mẽ khi những lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Các nhà đầu tư hỗ trợ vững chắc
CEO Grab cảm thấy may mắn khi có các nhà đầu tư hỗ trợ vững chắc. Với nguồn đầu tư đó thì Grab sẽ có thể vượt qua khó khăn dù đại dịch không may bị kéo dài suốt 12 tháng hay thậm chí đến tận 36 tháng.
Hồi tháng 2/2019, Grab cho biết trong vòng gọi vốn mới nhất, startup này đã kêu gọi được 4.5 tỷ USD đầu tư từ: nhà sản xuất ô tô Toyota và Hyundai, gã khổng lồ phần mềm Microsoft, quỹ đầu tư Ping An Capital của Trung Quốc và OppenheimerFunds của Mỹ. Đặc biệt là nhà đầu tư lớn nhất SoftBank, với 1.46 tỷ USD được trích từ quỹ Vision Fund.
Cho đến hiện tại, trong bối cảnh việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang bị trì trệ vì dịch bệnh, Grab vẫn được nhận được sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư lớn như tập đoàn công nghệ Nhật Bản - SoftBank, quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings của Singapore và công ty vận tải khổng lồ của Trung Quốc - Didi Chuxing.
Grab đã huy động được nguồn vốn trị giá 9.9 tỷ USD tính đến nay (theo dữ liệu của Crunchbase), bao gồm cả cam kết đầu tư từ Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ của Nhật Bản với giá trị 706 triệu USD vào tháng 2 vừa qua.
Trên toàn cầu, gần 3 triệu người đã mắc Covid-19 và Quỹ tiền tệ quốc tế đưa ra dự đoán tương lai ảm đạm của nền kinh tế, có thể tồi tệ hơn cả thời kỳ Đại suy thoái.
Điều đó rõ ràng ảnh hưởng tới thu nhập của nhiều tài xế, nhất là những người không may bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy Grab đã đầu tư gần 40 triệu USD để hỗ trợ tài chính trên khắp khu vực và đưa ra những biện pháp hỗ trợ bổ sung ở những nơi như Singapore.
Khi được hỏi về tình hình tài chính tổng thể hiện tại của công ty, CEO Grab giải thích rằng hầu hết chi phí của Grab là biến số và nó sẽ giảm khi nhu cầu giảm.
"Nhờ những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh của công ty, chúng tôi may mắn có đủ thanh khoản để vượt qua khó khăn này dù là suy thoái có kéo dài 12 hay 36 tháng", CEO Tan nhấn mạnh.