Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân ở nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nông dân sản xuất trên địa bàn Hải Phòng không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước "giải cứu" nông sản, hội viên, nông dân huyện đã chủ động tích cực sản xuất, tìm nhiều giải pháp để thích nghi, ứng phó, với hy vọng năng suất tiếp tục đạt cao, chất lượng nông sản được đảm bảo...
Ngoài chủ động sản xuất cây lúa, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hội viên nông dân đã mạnh dạn chuyển sang nuôi trồng các đối tượng thủy sản khác. Điển hình có thể kể đến như Hợp tác Dân Lập, xã Lập Lễ hay mô hình mắt rừng Lan viên, tại thôn Bấc Vang xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên.
Ông Đinh Khắc Vấn - Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản cá sạch Dân Lập, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên cho biết: Tổng diện tích canh tác của đơn vị là 28 hecta với mức đầu tư trên 5 tỷ/năm. Đơn vị tạo công việc cho 5 công nhân và 40 lao động trực tiếp.
Thời gian qua, Hợp tác xã Dân Lập chọn đối tượng thủy sản có thị trường tiêu thụ tốt hơn là cá trắm đen, cá vược ... Đây là những loài cá tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa. Hàng năm, Hợp tác xã Dân Lập xuất bán cá trắm đen 450 tấn/năm, cá vược 25 tấn/năm.
Hợp tác xã chủ yếu xuất bán cho các tiểu thương trong các chợ lớn trong và ngoài thành phố cùng các nhà hàng lớn. Hợp tác xã còn bán thủy sản nuôi trồng được cho các cơ sở chế biến để làm khô, mắm...
Trong thời gian diễn biến cao điểm của dịch Covid-19 (tháng 3 và tháng 4/2020), năng suất nuôi trồng thủy sản cá sạch được HTX Dân Lập giữ vững, tuy nhiên giá trị mặt hàng thủy sản bán ra bị giảm mạnh, ảnh hưởng đến mức thu nhập của lao động và nguồn cung quy trình sản xuất, vốn lưu thông của doanh nghiệp.
Ông Vấn cho biết thêm, tuy khó khăn nhưng Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản cá sạch Dân Lập sẽ quyết tâm giữ vững, ổn định sản xuất. Dự kiến, trung tuần tháng 5/2020, HTX sẽ ra mắt "Chi hội Nuôi trồng thủy sản cá sạch Dân Lập, xã Lập Lễ" với 50 thành viên bao gồm chi hội cá nước ngọt và nước nợ, trong đó có 100% hộ hội viên nông dân xã Lập Lễ tham gia.
Bên cạnh mô hình nêu trên, đoàn công tác của Hội Nông dân TP Hải Phòng còn thăm mô hình trồng lan rừng của anh Lê Văn Huy, trú tại thôn Bấc Vang xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên.
Vườn lan rừng của anh Huy có tổng diện tích 400m, vốn đầu tư khoảng trên 2 tỷ với 50 loại giống lan rừng đang được anh ươm trồng, chăm sóc và gây giống. Giống lan rừng chủ yếu tập trung là lan kiếm, phi điệp tím, trầm,… Hàng năm, vườn lan rừng cho thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Anh Huy cho biết, trong thời gian dịch Covid-19diễn biến phức tạp, sản lượng tiêu thụ hoa lan ít bị ảnh hưởng. Để thích hợp với thời điểm ịch bệnh, anh chuyển sang bán lan rừng onlie trên mạng xã hội, trao đổi, giao thương hàng hóa với khách qua facbook, zalo… Tần suất bán hoa lan cho khách lẻ cho thu nhập tương đối ổn định, doanh thu tốt hơn bán buôn. Thậm chí còn không đủ nguồn lan rừng bán cho người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc với Hội Nông dân huyện Thủy Nguyên, ông Đỗ Đức Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hải Phòng nhấn mạnh: Các cấp Hội cần xác định sản xuất nông nghiệp là "bà đỡ" cho nền kinh tế nên cần tập trung đồng bộ các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, dự tính, dự báo để bảo đảm giành thắng lợi toàn diện trong sản xuất.
Hội Nông dân huyện Thủy Nguyên cần tiếp tục thực hiện tốt theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND, HĐND thành phố Hải Phòng về các chính sách phát triển nông nghiệp quy hoạch vùng. Tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị sau khi hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Thành phố Hải Phòng và tranh thủ chủ động các nguồn vốn để phát triển các mô hình kinh tế có tính liên kết 4 nhà, sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Đỗ Đức Hòa, nhằm chuẩn bị tốt công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 bảo đảm hiệu quả, sát thực tế, góp phần giảm thiệt hại do bão, lụt gây ra, các cấp Hội cần kịp thời nắm bắt tình hình nông nghiệp – nông dân – nông thôn; tham mưu, đề xuất các lựa chọn phương hướng, giải pháp thích hợp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sau đợt phòng, chống dịch bệnh Covid-19.