Nới lỏng giao thương với các nước có nguy cơ dịch thấp
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 9/5, ông Nguyễn Quốc kỳ, CEO Viettravel cho rằng, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất của đại dịch Covid-19, song ngành này cũng được xem là đang có nhiều cơ hội để từng bước phục hồi và phục hồi nhanh nếu biết khai thác tốt thị trường nội địa và từng bước mở cửa hợp lý các tour ra thị trường nước ngoài.
Theo đó, CEO Viettravel đề nghị, cơ quan chức năng nghiên cứu mở lại toàn bộ đường bay trong nước, bỏ hạn ngạch như hiện nay vì 85% di chuyển trong ngành du lịch là bằng đường hàng không.
Bên cạnh đó, xem xét mở cửa lại các thị trường du lịch nước ngoài có chọn lọc, phần nào kiểm soát được dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Thái Lan, Campuchia...
Ông Kỳ cũng đề xuất đưa gói bảo hiểm xã hội về Doanh nghiệp để dễ triển khai, không đưa về đia phương vì rất khó đến tay người lao động.
Mặt khác, công nợ doanh nghiệp trong hệ thống dịch vụ trong ngành du lịch khá lớn, nhất là hàng không. Các doanh nghiệp đều trả trước chi phí cho các hãng hàng không, do đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vào cuộc, có biện pháp đưa số tiền này vào hoạt động kinh doanh.
" Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ nghiên cứu giảm thuế VAT, thuế TNDN xuống để ngành du lịch phục hồi. Áp dụng giá điện sản xuất cho ngành du lịch, nhất là dịch vụ lưu trú và các điểm tham quan. Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại thời gian nghỉ hè của năm học này để học sinh và gia đình có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, cũng góp phần thúc đẩy du lịch phát triển", ông Kỳ nêu ý kiến..
Chuẩn bị tốt nhất đón đầu thị trường thế giới phục hồi
Trong kiến nghị gửi tới Hội nghị, ông Trương Đình Hoè – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đề xuất trong ngắn hạn, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như hậu Covid-19.
Chính phủ và các Bộ hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển.
Giải pháp này nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7-8/2020 khi chúng ta có cơ hội lớn về thị trường - thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước SX cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.
Ban hành và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động. Thúc đẩy hơn nữa hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới do sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam..
Về dài hạn, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ xem xét tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thực hiện phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới, trong đó, thúc đẩy EVFTA có hiệu lực sớm nhất có thể, để các doanh nghiệp tranh thủ tăng cường tiêu thụ thuỷ sản ở thị trường EU rộng lớn trước các lợi thế so sánh với một số quốc gia xuất khẩu cạnh tranh.
Giúp DN tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất toàn cầu
Trong khi đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có những đề xuất khá cụ thể, ví như đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét miễn thuế xuất khẩu 25% đối với các mặt hàng gỗ xẻ phôi có nguồn gốc từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước quản trị rừng tốt, cụ thể gỗ sồi xẻ (HS 4407.919090); gỗ tần bì (HS 4407.959090); gỗ bạch dương (HS 4407.969090) và gỗ thông (HS4407.110090).
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cho rằng việc miễn thuế sẽ giúp DN tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất toàn cầu, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giải phóng lượng gỗ nguyên liệu tồn kho rất lớn hiện nay, đồng thời bổ sung kim ngạch xuất khẩu khi các nhóm sản phẩm khác gặp khó khăn. Ngoài ra, việc xuất khẩu sản phẩm này không ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ của nước ta.
Đối với xuất khẩu dăm gỗ, Hiệp hội cho rằng, do dịch bệnh, giá dăm gỗ giảm sút, đồng thời sản xuất gỗ dán bị mất hai thị trường chính là Hà Quốc và Mỹ, do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Tài Chính xem xét và miễn thuế xuất khẩu dăm gỗ cho doanh nghiệp từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020. Miễn thuế xuất khẩu dăm gỗ cũng giúp bình ổn giá thu mua nguyên liệu rừng trồng để người dân tiếp tục trồng rừng, duy trì nguồn cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp gỗ.
Sử dụng sản phẩm trong nước ở khu vực đầu tư công
Liên quan đến lãi suất ngân hàng, kiến nghị của ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương gửi tới Hội nghị cho hay, hiện nay các doanh nghiêp nhỏ và vừa hầu như vẫn bị ngân hàng thu nợ đúng hạn và cảnh báo sẽ bị hạ bậc tín dụng nếu như trả nợ không đúng hạn.
Do đó, ông đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp giãn nợ, khoanh nợ để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đồng thời, trong khi xuất khẩu chưa phục hồi, ông Trọng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, có giải pháp tăng cường hoặc chỉ sử dụng sản phẩm, vật tư, thiết bị trong nước sản xuất được trong khu vực đầu tư công để các doanh nghiệp sản xuất trong nước tiêu thụ sản phẩm, phục hồi sản xuất.
.