Dù đã được thợ ong Nguyễn Văn Vọng dọn trước đường quang, tôi cố hết sức chạy theo mà vẫn cách ông cả trăm mét.
Không việc gì phải sợ
Rồi cũng bất ngờ như khi phát hiện đàn ong, ông Vọng khựng lại, tháo chiếc thùng trên vai đặt xuống. Chỉ sau vài cái bới tay xuống đất, đàn ong bên dưới đã ào ào bay ra bu kín người ông, đen rì.
Thi thoảng, các thợ ong may mắn tìm được một tổ ong rừng ngay trong vườn nhà
Nhìn thấy cảnh đó, tôi hoảng hốt, lùi lại mấy bước, tay giữ chặt chiếc xô nhựa ông nhờ cầm giúp lúc đi với ý đồ lỡ bị đàn ong xông đến thì có cái mà chụp lên đầu. Nhưng chẳng có con ong nào đuổi theo tôi, tất cả bay vòng vòng, bu bám xung quanh ông Vọng mà thôi.
- "Cô mang chiếc xô lại đây để tôi bỏ bánh mật vào. Khi nào lấy hết bánh mật, cô mang chiếc xô bỏ ra đằng kia để chúng khỏi bâu vào. Cái tổ này cũng được vài lít chứ không ít đâu" - ông Vọng bảo tôi.
- "Nhưng tôi sợ ong đốt".
- "Cô đừng phá thì chúng chẳng làm gì đâu. Cô nhìn xem, chúng bu kín người mà tôi có bị đốt đâu nè".
Tôi vẫn đứng từ xa mà nhìn. Tôi đinh ninh ông Vọng bôi thứ thuốc gì đó mà cả bầy ong để yên như thế. Nhớ ngày trước cũng từng đi theo cha vào rừng lấy tổ ong, tôi đã bị chúng đốt một trận thừa sống thiếu chết, đến bây giờ nghe tiếng vo ve của bầy ong vẫn còn rờn rợn.
Mặc ông Vọng luôn miệng động viên "cô bước tới đây mà bị ong đốt, chịu chi tui cũng chịu", tôi cứ đứng trân ra nhìn chằm chằm vào đàn ong, không dám bước tới. Vừa may ông Thắng, là một thợ ong, bạn ông Vọng, cũng theo đàn ong thợ dẫn đường đã tìm đến tổ ong đang lủng lẳng trên nhành cây cách đó không xa.
"Cô cứ lại gần mà xem, không việc gì phải sợ, chỉ cần đừng làm chết một con ong nào. Nhớ chưa?" - chẳng để tôi lên tiếng, ông Thắng kéo tôi đến nơi tổ ong mà ông Vọng đang bắt.
Đàn ong bám theo cánh tay ông Vọng đong đưa ra vào theo từng bánh sáp mật ong. Những khi đàn ong bám nhiều quá, ông Vọng đốt một que nhang quơ xung quanh như làm bùa chú, nhưng không phải, chỉ là ong vốn sợ lửa và mùi nhang, làm như vậy để chúng bay tản bớt ra ngoài thì người thợ dễ tìm ong chúa mà thôi.
Gầy thành ong nuôi
Khi mỗi bánh mật được lấy ra, kéo theo hằng hà sa số chú ong. Mắt phải thật tinh, nhìn thật kỹ xem trong đám ong thợ lau chau ấy có con ong chúa ra theo cùng hay không. Nhìn thấy ong chúa thì chộp lấy bỏ ngay vào chiếc rọ to bằng ngón cái, dài khoảng một gang tay, được quấn những sợi dây thép làm ra chỉ để nhốt ong chúa.
Người thợ ong nào cũng có chiếc rọ trong túi, mang theo bên mình. Rồi cũng nhanh chóng như khi chộp được ong chúa, người thợ ong vội lo đóng rọ, đưa ngay vào thùng ong mang theo. Thêm một nhành cây bẻ vội, gác lên thùng, một miếng sáp không có mật hoặc ít mật được dính vào nhành cây để dẫn dụ những con ong thợ bay theo cùng vào thùng với ong chúa. Rồi họ sẽ đậy thùng và mang về nhà gầy thành ong nuôi.
Một ngày mệt nhoài trong rừng, ông Vọng bắt được 3 tổ ong, gầy thành 3 đàn nuôi và 5 lít mật ong rừng chính hiệu, bán ra được 3,5 triệu đồng.
Tôi tưởng chỉ riêng ông Vọng là không trang bị đồ bảo hộ phòng ong đốt. Nhưng không, tất cả những người thợ ong đều mình trần, chân đất.
Thứ vũ khí duy nhất mà họ luôn mang theo bên mình là những thẻ nhang. Nhưng chỉ khi gặp những tổ nào nhiều ong bu bám quá thì mới phải dùng đến nhang để ong tản ra cho dễ bắt, còn không cũng chẳng cần.
Thắp nhang để ong tản ra cho dễ bắt
Cái khó nhất của những người thợ bắt ong là xác định được nơi ong làm tổ, dựa theo tiếng vo ve của những con ong thợ đi hút mật hoa đang bay về. Còn tổ ong ở gần hay xa, mật nhiều hay ít, già hay non lại là kinh nghiệm riêng của từng người.
Trước đây, tôi vẫn thắc mắc làm sao chỉ cần nhìn những con ong mật vu vơ bay trên đầu mà xác định được nơi ong làm tổ? Biết được có mật hay không? Nhiều hay ít? Sao cũng là thợ ong mà có người chẳng hề bị một vết đốt nào?
Người thì ngày nào đi rừng lấy ong về cũng mặt mũi sưng húp, có những ca nặng phải đến bệnh viện, uống thuốc, nằm cả tuần vẫn còn buốt đau.
Có một nguyên tắc bất di bất dịch mà người thợ ong nào cũng luôn nhớ nằm lòng. Đó là cẩn thận không để làm chết bất cứ con ong nào.
Nếu lỡ làm chết thì phải nhanh tay chôn chúng xuống đất hoặc vứt xác ong ấy đi thật xa, để lũ ong không đánh được mùi. Chỉ cần một xác ong bốc mùi, lũ ong quay ngoắt sang tấn công người ngay tức thì. Rồi đốt tới tấp, người bỏ chạy, lũ ong cũng quyết đuổi theo đến cùng, cho dù đốt xong thì con ong đó lăn đùng ra chết.
Rừng cạn, ong cũng kiệt
"Đã tìm ra ong chúa chưa? Còn đến vườn ông Bản, nghe bảo có mấy tổ đấy" - ông Thắng đang bắt một tổ ong trên cây, vóng vót hắt lên.
- "Chưa thấy con chúa đâu ông ạ" - tiếng ông Vọng đáp.
- "Ông tìm lại xem, ong chúa mà đi thì ong thợ đã bỏ tổ đi rồi" - ông Thắng tiếp.
Sau một hồi tìm kiếm, ông Vọng cũng tìm thấy con ong chúa đang ở trên một bánh sáp gần đấy cùng một đàn ong thợ bay vè vè bao quanh.
Tìm ong chúa
Không nén được tò mò, tôi hỏi ông Vọng: "Chú đã bị ong đốt khi nào chưa?". Ông nhìn tôi, bật cười, rồi thao thao kể về những ngày nào mở mắt ra là thấy rừng, đến "mùa con ong đi lấy mật" thì cả thôn 1, xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông này, chỗ nhà ông ở, cứ rạo rực, thức trắng cả đêm.
Gà chưa gáy sáng đã í ới gọi nhau. Rồi thì chia nhau ra từng tốp đi hết năm phương tám hướng, để khi trở về ai cũng lặc lè những gùi mật sau lưng.
"Ngày xưa rừng nhiều, tổ ong lắm, mỗi ngày đi cũng kiếm được cả thùng mật. Ham lắm. Không như bây giờ, có khi đi cả ngày rạc chân vẫn không kiếm được gì. Rừng không còn nên ong chỉ biết bám cây vườn làm tổ. Ong rừng ngày càng hiếm. Cũng may bây giờ nhiều người nuôi ong lấy mật, nên rất cần lượng ong chúa để gầy đàn. Rồi thì nảy nở sinh sôi chứ ong theo cây rừng thì cũng tuyệt chủng đến nơi" - ông Vọng nói.
Rừng đã cạn thì ong cũng kiệt. Nhưng những người thợ bắt ong rừng để "gầy" thành ong nhà như ông Thắng, ông Vọng không bao giờ làm hết việc trong mùa "ong lấy mật".
Ong rừng làm tổ trong các nhành cây vườn nhà. Ong la đà bay trên những cánh rừng nghèo, rừng lá thấp, nhiều nhất vẫn là làm tổ ngay trong các hốc đất bìa rừng hoặc nơi có nhiều cây cối um tùm. Nhà này chưa xong, nhà kia đã gọi điện hối thúc. Mà cũng phải thôi, họ sợ ong bay đi thì mất cả ong chúa lẫn mật.
Hai ngày theo ông Vọng, ông Thắng đi bắt ong, tôi thấy điện thoại của hai ông không ngừng reo để "nhận kèo". Người thì nhờ bắt ong lấy mật, các ông lấy ong chúa. Người thuê đến lấy cả mật lẫn ong chúa để gầy đàn nuôi. Các chủ trại ong cũng gọi điện liên hồi hỏi mua ong chúa gầy đàn.
Gom ong rừng vào thùng để mang về nuôi
Thấy tôi trầm trồ khi thợ ong có việc kiếm tiền "ngon ăn" thế này, ông Thắng lắc mái tóc bạc phơ đẫm sương gió với hơn 30 năm kinh nghiệm bắt ong.
Cái sự ngậm ngùi như hằn lên không chỉ trên mái tóc pha sương mà còn khắc khoải trong từng lời chia sẻ: "Nhiều người nhìn vào tưởng lộc của rừng mà dễ ăn à. Khó lắm. Những người thợ ong vẫn thường gặp tai nạn. Nhẹ thì bị ong đốt túi bụi, sưng vù. Rồi người leo cây lấy tổ ong ngã gãy tay, gãy chân chấn thương không ít...".
"Bởi vậy, thợ ong ở Đắk R’Tih này đã giải nghệ nhiều rồi. Giờ chỉ vài người nhưng cũng loanh quanh những nương rẫy hay bìa rừng gần chứ chẳng còn sức đâu mà bươn xa, việc leo cây lấy mật cũng bớt rồi. Thợ ong bây giờ không còn đi tìm tổ ong mật mà chủ yếu bắt ong chúa gầy đàn cho thợ nuôi ong lấy mật".
Ông nói một hồi rồi đột nhiên dừng lại, thở hắt ra ngậm ngùi: "Bao giờ rừng trở lại như ngày xưa?".
Tôi hỏi ông Thắng, ông Vọng đến bao giờ thì thôi ăn lộc của rừng. Ông Thắng cười, méo xệch: "Cũng muốn thôi bắt ong lâu rồi nhưng nhiều người nhờ quá, không chỉ ở Đắk Nông mà Bình Dương, Bình Phước cũng gọi điện nhờ tìm cho vài con ong chúa gầy đàn để nuôi, lại phải cố thôi nhưng chắc chẳng còn lâu. Chúng tôi bây giờ ăn lộc vườn chứ rừng còn đâu nữa mà ăn?".