Hiện tại, nhu cầu thủy sản thế giới có xu hướng chuyển sang các sản phẩm có kích thước nhỏ và giá rẻ hơn. Tuy nhiên, trong nước vẫn còn có một số sản phẩm nuôi đang ở cỡ lớn, không được thu mua.
VASEP đề nghị ngân hàng nhà nước nghiên cứu, lựa một doanh nghiệp ở mỗi địa phương có nhu cầu thực sự để mua được sản phẩm của nông ngư dân, dự trữ chờ bán sau dịch. Trên cơ sở đó, có chính sách tín dụng để giúp địa phương, doanh nghiệp đó có nguồn vốn hoạt động, giúp nông dân giải quyết vấn đề khó khăn.
Chính phủ và các bộ ngành tạo điều kiện hỗ trợ cho Bộ NNPTNT tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm, người khai thác biển ngay từ tháng 5. Theo ông Hòe, việc này nhằm giúp nông ngư dân bắc kịp thời cơ trong tháng 7 - 8 khi thị trường thế giới phục hồi, tiêu thụ tăng cao trở lại nhưng các nước cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động. Vì thực tế thiếu lao động đang là một mối lo đối với cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ thủy sản hiện nay.
Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện chuẩn bị hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cụ thể như cơ chế xây dựng kho lạnh trữ hàng, điều chỉnh đánh giá rủi ro tín dụng cao với nhóm hàng thủy sản...
Về dài hạn, VASEP nhấn mạnh đến việc cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng chiến lược đầu tư cho thương mại nông thủy sản khu vực biên giới, phát triển thị trường Trung Quốc bền vững hơn nữa. Đi kèm là cách thức tổ chức các trung tâm phân phối hàng thủy sản cùng với kho ngoại quan phía Việt Nam để cung cấp thường xuyên ổn định cho nhu cầu ở phía các tỉnh giáp biên Trung Quốc.
"Sau cùng là thúc đẩy hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nuôi trồng thủy sản, mở rộng thị trường trong bối cảnh mới và gia tăng sức cạnh tranh cho ngành sau dịch" - ông Hòe đề xuất.