Gần 6 tháng trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ, tổng thống đương nhiệm của nước này Donald Trump đang phải trực diện nguy cơ phá sản chiến lược vận động tranh cử mà nguyên do chính không phải đến từ phía các đối thủ chính trị trong cuộc bầu cử này mà có nguồn gốc ở dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Dịch bệnh này bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc và mãi về sau mới lây lan sang Mỹ nhưng rồi đã rất nhanh chóng biến nước Mỹ thành tâm điểm mới và trầm trọng nhất của dịch bệnh. Nước Mỹ hiện không chỉ bỏ xa tất cả các nơi khác trên thế giới về số lượng người bị nhiễm dịch bệnh và bị thiệt mạng bởi dịch bệnh mà còn tự chứng tỏ là một trong những nơi trên thế giới ứng phó dịch bệnh kém hiệu quả nhất.
Trong thời gian gần ba năm rưỡi cầm quyền ở Mỹ đến nay, ông Trump không có được thành tựu cầm quyền đáng kể gì nhiều. Dù vậy, cho tới trước khi nước Mỹ bị quản chế trong nanh vuốt của dịch bệnh, cơ hội của ông Trump được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ vẫn khá sáng sủa và thực tế. Chiến lược vận động tranh cử của ông Trump nhằm được tái đắc cử tổng thống dựa trên hai trụ cột là sự ủng hộ của bộ phận cử tri trung thành và tình trạng tốt đẹp của nước Mỹ về tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm.
Cho dù ông Trump thực thi bất cứ quyết sách nào với thành công hay thất bại, bị phê phán hay chê bai thì bộ phận cử tri này vẫn kiên định ủng hộ ông Trump. Mẫu số chung của số này và động lực quyết định nhất của họ khi dành sự ủng hộ chính trị cho ông Trump là sự thù oán giới chính trị thủ cựu và tầng lớp quyền lực cố hữu ở nước Mỹ mà một trong những khẩu hiệu vận động tranh cử của ông Trump chính là đập tan diện chính trị quyền lực ấy. Nước Mỹ càng bị phân hoá sâu sắc về chính trị và xã hội nội bộ thì bộ phận cử tri này đóng vai trò càng quyết định đối với sự đảm bảo cho ông Trump được tái đắc cử.
Trụ cột thứ hai trong chiến lược vận động tranh cử tổng thống của ông Trump là tăng trưởng kinh tế cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trước khi dịch bệnh lây lan sang nước Mỹ, những số liệu thống kê về cả hai khía cạnh nói trên đều rất thuận lợi đối với triển vọng tái đắc cử tổng thống của ông Trump.
Nhưng rồi dịch bệnh đang làm lung lay cả hai trụ cột ấy trong chiến lược vận động tranh cử của ông Trump. Hồi tháng 2 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,5%, thấp như không thể thấp hơn được nữa ở nước Mỹ và thấp đến mức nước Mỹ được coi như không có người thất nghiệp. Chỉ 8 tuần sau, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên 14,5%.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay đã có hơn 33 triệu người Mỹ bị thất nghiệp. Con số tuyệt đối đã rất cao và tốc độ tăng của tỷ lệ thất nghiệp lại nhanh chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ. Thời nước Mỹ trong cuộc Đại suy thoái cách đây 90 năm, tỷ lệ thất nghiệp ở nước Mỹ là 15% nhưng đó là kết quả của diễn biến kéo dài gần 2 năm. Thời cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp ở nước Mỹ là 10% nhưng cũng phải sau 1 năm mới như vậy.
Trong thời gian có 2 tháng, dịch bệnh này đã làm cho kinh tế nước Mỹ sa sút tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ như chưa từng thấy kể từ 100 năm nay. Tiêu dùng trong nước vốn là động lực quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế nước Mỹ đã sa sút rõ rệt, tiêu dùng về dịch vụ suy giảm còn nghiêm trọng hơn cả tiêu dùng hàng hoá và sự phục hồi chắc chắn không thể nhanh chóng. Từ đó có thể thấy tình thế đang trở nên ngày càng thêm nguy hiểm trên phương diện tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp đối với cơ may tái đắc cử tổng thống năm nay của ông Trump.
Ông Trump ý thức được mối nguy hiểm ấy nên thôi thúc nới lỏng mọi hạn chế để chống dịch bệnh nhanh chóng và mạnh mẽ như có thể được. Vấn đề ở chỗ chính quyền của ông Trump chưa chế ngự và kiểm soát được dịch bệnh nên càng vội vã với việc nới lỏng các biện pháp cách ly và phong toả thì dịch bệnh càng lây lan rộng và số người bị nhiễm, bị thiệt mạng vì dịch bệnh càng tăng.
Những bang như Florida, Michigan, Nord Carolina, Pennsylvania hay Wisconsin và Arizona hiện đều đang bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch bệnh mà đây lại là những bang mà ông Trump nhất định phải giành phần thắng nếu muốn chắc chắn được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ. Mọi dấu hiệu hiện tại đều cho thấy triển vọng ở các bang này không được mấy sáng sủa về đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Chiến lược vận động tranh cử tổng thống của ông Trump đang có nguy cơ bị phá sản. Nếu người này không nhanh chóng có liệu pháp thích hợp để xoay chuyển tình thế thì sẽ quá muộn và không thể lại tới được bến bờ của mơ ước và tham vọng trong ngày bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ.