Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của đơn vị đã có những đóng góp quan trọng vào thực tiễn.
Với các cơ sở đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực quan trọng, giúp sinh viên có cơ hội và điều kiện để rèn giũa, nâng cao trình độ chuyên môn. Ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiệm vụ này được triển khai như thế nào, thưa bà?
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam lần thứ XXIX nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra định hướng lãnh đạo Học viện là: "Tiếp tục đoàn kết chặt chẽ, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới".
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XXIX, trong giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ Học viện đã sát sao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo Học viện triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ phục vụ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương.
Đảng ủy Học viện xác định khoa học công nghệ là một hướng đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Từ nghị quyết của Đảng ủy Học viện, các khoa, bộ môn, viện, trung tâm đã cụ thể hóa bằng các đề tài, dự án cụ thể. Nhờ đó, công tác NCKH đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt các chương trình NCKH và chuyển giao công nghệ với địa phương, doanh nghiệp đã được đẩy mạnh, được các ngành chức năng và địa phương đánh giá cao.
Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác NCKH của Học viện?
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, sự cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ khoa học của các đơn vị, các nhóm nghiên cứu, công tác NCKH của Học viện đã đạt được nhiều kết quả tốt trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo đó, chỉ tiêu về thực hiện đề tài, dự án các cấp trong nhiệm kì trung bình đạt 178,2 đề tài/năm, vượt chỉ tiêu nhiệm kì đề ra trung bình đạt 100 đề tài, dự án/năm. Nhiều đề tài, dự án quốc tế, cấp Nhà nước, cấp Bộ và đề tài đặt hàng địa phương đã được phê duyệt. Số giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật được công nhận cấp Bộ tăng 320%.
Đến nay, Học viện đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy NCKH, chuyển giao công nghệ và tăng cường công bố quốc tế. So với nhiệm kỳ trước, tổng số bài báo quốc tế trong danh mục ISI/Scopus tăng 60,8%.
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là Học viện đã tăng cường liên kết với các địa phương như Hà Nội, Điện Biên, Tuyên Quang, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Thái Bình, Quảng Trị, Nam Định, Quảng Ninh, Cao Bằng… để thúc đẩy hợp tác NCKH, chuyển giao công nghệ.
Thông qua sự hợp tác với địa phương, nhiều đề tài, sản phẩm mới đã được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Học viện đối với xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, số bài báo quốc tế có chỉ số ISI/Scopus mặc dù có tăng nhưng chưa đạt kỳ vọng để có thể giúp nâng hạng Học viện trên bản đồ khoa học trong khu vực và trên thế giới.
Đảng ủy Học viện đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp để tăng cường các công bố khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế.
Một công trình NCKH đạt hiệu quả tốt thì phải được ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Bà đánh giá như thế nào về tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu mà Học viện đã triển khai trong thời gian qua?
Định hướng của Đại hội XXIX là nâng cao chất lượng khoa học công nghệ đáp ứng tốt hơn yêu cầu sự nghiệp phát triển nông nghiệp, gắn với tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới; tăng công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế nhằm đưa Học viện trở thành Trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ nông nghiệp trong nước và tương đương với khu vực.
Để đạt được mục tiêu này, Đảng ủy Học viện đã ban hành 16 Nghị quyết chỉ đạo về công tác NCKH và chuyển giao công nghệ. Học viện đã xây dựng và ban hành đề án "xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO"; "Đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong NCKH và chuyển giao công nghệ với địa phương và doanh nghiệp"; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động khoa học của cán bộ và sinh viên; rà soát, đầu tư, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh và hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, giao nhiệm vụ cụ thể và phù hợp cho từng nhóm.
Tính đến tháng 10/2019, Học viện đã có 03 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025/2005, 01 bệnh viện thú y, 01 bệnh viện cây trồng, 82 mô hình khoa học công nghệ gắn NCKH với đào tạo, trong đó có các mô hình tiêu biểu như: Mô hình nghiên cứu, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; mô hình vi tảo; mô hình khí canh; mô hình chăn nuôi lợn, dê; mô hình cây dược liệu trong phòng trị bệnh; thành lập 50 nhóm nghiên cứu mạnh; thành lập Trung tâm chuyên gia, là nơi quy tụ của nhiều chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, nông học, kinh tế, công nghệ thực phẩm…
Học viện đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp như: Tập đoàn TH-Truemilk, Công ty RTD, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Dabaco….
Trong nhiệm kì 2015-2020, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Học viện đã tăng cường đấu thầu các đề tài, dự án các cấp, ưu tiên các nghiên cứu cơ bản.
Bên cạnh các nhiệm vụ cấp bộ, cấp quốc gia, các chương trình sản phẩm quốc gia, nhiều nhiệm vụ hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương được Học viện triển khai như chương trình hợp tác khoa học công nghệ với thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tây Nguyên…
Học viện đã triển khai nhiều đề tài khoa học hợp tác với các tỉnh như: 06 đề tài với thành phố Hà Nội, 06 đề tài với tỉnh Sơn La, 03 đề tài với tỉnh Tuyên Quang, 03 đề tài với tỉnh Hải Dương, 02 đề tài với tỉnh Hưng Yên, 02 đề tài với tỉnh Hòa Bình, 03 đề tài với tỉnh Cao Bằng, 03 đề tài với tỉnh Quảng Ninh, 02 đề tài với tỉnh Nam Định...
Học viện đã chỉ đạo tăng cường đề xuất và đấu thầu nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, cấp Quốc gia. Năm 2017 có 8 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 13 nhiệm vụ cấp Bộ, 17 nhiệm vụ hợp tác quốc tế; Năm 2018 có 10 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 9 nhiệm vụ cấp Bộ, 18 nhiệm vụ hợp tác quốc tế; Năm 2019 có 7 nhiệm vụ cấp quốc gia, 13 nhiệm vụ cấp Bộ, 17 nhiệm vụ hợp tác quốc tế được phê duyệt và triển khai.
Để thúc đẩy NCKH, công bố quốc tế và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất, Học viện đã ban hành quy định khen thưởng cho các cán bộ có nhiều thành tích trong công tác đề xuất, đấu thầu thành công nhiệm vụ KHCN các cấp; có bài báo quốc tế được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam của Học viện xuất bản số tiếng Việt và tiếng Anh. Các công trình đăng trên tạp chí của Học viện là những bài báo khoa học có chất lượng cao, được tính điểm công trình phong Giáo sư, phó Giáo sư, xét khen thưởng.
Trong giai đoạn 2015-2019, Học viện có 582 bài báo quốc tế, trong đó 337 bài báo trong danh mục ISI/Scopus; trung bình năm có 128,6 bài quốc tế, 75 bài ISI/ Scopus tăng 178,3% so với giai đoạn 2012-2015.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu công bố quốc tế, trong nhiệm kỳ vừa qua Đảng ủy cũng chỉ đạo đẩy mạnh việc đăng ký và chuyển giao các sản phẩm khoa học góp phần vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Bộ NN&PTNT, chương trình sản phẩm quốc gia và sản phẩm OCOP, chương trình tăng trưởng xanh, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi như dịch đạo ôn hại lúa, bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm…
Đã có 14 giống cây trồng, 11 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi-thú y, 1 tiến bộ kỹ thuật vi sinh, 1 tiến bộ kĩ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và 6 mẫu máy nông nghiệp được công nhận tiến bộ kỹ thuật cấp Bộ. Tổng số giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật cấp Bộ tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ 2012-2015.
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam có định hướng như thế nào trong công tác NCKH, thưa bà?
Học viện vẫn tiếp tục dành nhiều quan tâm, ưu tiên cho các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, nhóm nghiên cứu tinh hoa; phối hợp với doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm NCKH. Thời gian qua, các nhà khoa học của Học viện đã có một số sản phẩm được thương mại hóa, góp phần phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương để triển khai các dự án khoa học công nghệ gắn với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Xin cảm ơn bà!