Những trạm gác trên đỉnh núi, giữa sông
Chúng tôi di chuyển tới đập nước Tân Sơn (thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) rồi gửi xe máy tại nhà dân, đi bộ lên núi cao dựng ngược.
Trạm gác rừng của BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ nằm trên đỉnh núi Chư Prông, còn được gọi là đỉnh Cổng Trời có độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển. Đường lên lởm chởm đá, những đoạn dốc thẳng đứng.
Sau 2 giờ leo chúng tôi mới đến được điểm cao nhất của ngọn núi, cũng chính là trạm gác của những cán bộ bảo vệ rừng và các hộ dân nhận khoán.
Anh Kpă Doai - Tổ trưởng Tổ quản lý, bảo vệ rừng khu vực huyện Chư Pah (BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ) cho biết: "Tổ chúng tôi có 75 người, bố trí thành 4 điểm gác cách nhau vài ngọn núi. Nơi nào anh em cũng đều gặp khó khăn như nhau vì xa dân, không có điện, lại ở chốn rừng sâu, không có nước sạch... Năm ngoái chúng tôi dựng trạm ở ngọn núi cao hơn để tiện quan sát nhưng vì trống trải, gió thổi mạnh cuốn bay mất lều nên dời xuống chỗ này".
Còn ông Nguyễn Ngọc Hùng (người dân thôn 2, xã Nghĩa Hưng) với hơn 16 năm gác rừng chia sẻ: "Nhóm tôi có 32 người nhận khoán, chia thành nhiều tốp tuần tra, mỗi tốp có 5 - 6 người. Ở đây từ việc đi lại đến sinh hoạt đều gặp khó khăn. Tất cả đều ở lều tạm, ngủ võng, đêm gió sương, ngày nắng nóng. Mọi người thay phiên nhau đi lấy nước sinh hoạt, đốt lửa để sưởi ấm và chiếu sáng…".
"Mỗi tổ bao gồm hộ nhận khoán và cán bộ bảo vệ rừng của ban cùng phối hợp, luân phiên nhau thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Chính vì thế mà việc cháy rừng xảy ra ít hơn, tình trạng khai thác rừng trái phép giảm đáng kể trong thời gian qua".
Ông Nguyễn Tất Thành - Phó trưởng BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ
Còn tại một đảo nhỏ trên sông Sê San (thuộc địa phận xã Ia Keng, huyện Chư Pah), khu vực gần Nhà máy thủy điện Sê San 3A cũng có một chiếc lều tạm của BQL rừng phòng hộ Ia Ly. Với diện tích khoảng 1.200ha rừng tự nhiên, địa hình hiểm trở phức tạp, giáp ranh với địa phận tỉnh Kon Tum và huyện Ia Grai nên đây là một trong những điểm canh giữ rừng trọng yếu của những cán bộ bảo vệ rừng và hơn 40 hộ dân làng Díp. Để đến được điểm gác, chúng tôi phải xuống bến đò Sê San 3, sau đó đi đò suốt 2 giờ.
Anh Rơ Châm Du (người dân làng Díp) chia sẻ: "Một bên là rừng, một bên là sông nước. Mùa nắng thì mọi người đỡ khổ hơn, nhưng vào mùa mưa thì nước dâng cao cuốn trôi đồ đạc, người ướt mà đồ cũng ướt, cũng không có lửa để sưởi ấm nữa…".
Dựa vào dân để bảo vệ rừng
Giữ lấy màu xanh của rừng là việc mà các hộ nhận khoán và các BQL rừng phòng hộ vẫn đang thực hiện một cách thầm lặng. Ở khu vực rừng thuộc BQL rừng Ia Ly còn rất nhiều loại gỗ quý, cây to, địa hình lại phức tạp nên luôn bị lâm tặc dòm ngó. Ngoài việc tuần tra canh gác, cán bộ bảo vệ rừng và những hộ nhận khoán còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng lấy gỗ hoặc đốt rừng làm nương rẫy.
"Có vài lần nhóm chúng tôi phát hiện lâm tặc phá rừng, một số bỏ chạy, một số định hành hung chúng tôi. Nhưng chúng tôi cứng rắn, kiên quyết nên họ buộc phải bỏ đi nơi khác, số gỗ đó được đưa về xử lý theo quy định" - anh Rơ Châm Pháo (người dân nhận khoán bảo vệ rừng) chia sẻ.
Trong khi đó, lâm phần của BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ chủ yếu là rừng thông nên nguy cơ cháy rừng vào mùa khô rất cao, việc kiểm tra và đối phó với cháy rừng phải có những phương án nhanh chóng và hạn chế tối đa thiệt hại. Việc chăm sóc, bảo vệ những cánh rừng thông non trước nguy cơ cháy, tình trạng lấn chiếm rừng làm nương rẫy cũng là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị này.
BQL rừng phòng hộ Ia Ly hiện đang quản lý hơn 11.000ha rừng tự nhiên, 1.000ha rừng trồng. "Do địa hình phức tạp, rộng lớn nên việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định thông qua việc nhận khoán bảo rừng là giải pháp rất quan trọng để bảo vệ rừng" - ông Vũ Văn Thảo - Phó trưởng BQL rừng phòng hộ Ia Ly cho biết.