Tại tọa đàm trực tuyến: "Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng", ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC chia sẻ theo quy luật 10 năm sẽ diễn ra một cuộc khủng hoảng để tiến hành quá trình đào thải. Qua đại dịch Covid-19, doanh nghiệp không có hệ thống quản trị đạt chuẩn sẽ bị ảnh hưởng và kéo theo các hệ lụy, doanh nghiệp có quản trị tốt có thể tránh được suy kiệt nhưng không tránh được bị ảnh hưởng.
Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như cơ quan ban ngành để trụ lại và vượt qua, trong đó việc trụ lại là vấn đề cực kỳ quan trọng. Chính phủ nên có những giải pháp tình thế và mang tính chất liên ngành thay vì áp dụng "cứng nhắc" các quy định.
Lấy dẫn chứng từ trường hợp liên quan đến các cổ đông trong tập đoàn bị bán giải chấp khi cổ phiếu xuống thấp. Ông cho rằng đây là quy định, song trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các công ty chứng khoán lại đem cổ phiếu đi bán giải chấp, tạo một nguồn cung không cần thiết.
Lúc này, ông Thành cho biết giải pháp TTC đặt ra là đích thân ông đi gặp các công ty chứng khoán phân tích có nên chọn giải pháp như chấp nhận những tài sản mà thông thường không chấp nhận để bổ sung vào ký quỹ, chấp nhận sự bảo lãnh tín chấp của Chủ tịch tập đoàn, tăng tỷ lệ margin lên hoặc nếu thanh lý thì thanh lý cho chính chủ phân kỳ ra để họ từ từ trả. Với những giải pháp đặt ra, các công ty chứng khoán đồng tình ngay.
"Qua đó để thấy rằng trong thời buổi dịch bệnh, không nên quá cứng nhắc làm việc theo nguyên tắc, mọi vấn đề cần có những giải pháp tình thế, linh hoạt", ông Thành cho hay.
Liên quan đến lãi suất và sự tiếp cận vốn vay trong bối cảnh mất thanh khoản giữa dịch Covid-19, ông Đặng Văn Thành thừa nhận, hiện nay lãi suất cao đang là gánh nặng cho doanh nghiệp và việc tiếp cận các nguồn vốn đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp là "rất dè dặt".
Do đó, doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng "lương khô", thay vì tiếp cận vốn vay ngay bởi trong hoàn cảnh này, các ngân hàng cũng sẽ dè dặt khi cho vay.
"Lương khô" có thể hiểu là những gì doanh nghiệp tiết kiệm được dưới dạng tiền mặt, hoặc thậm chí là tài sản mua trong thời gian có lợi nhuận bây giờ có thể bán ra để thu tiền về. Nói nôm na doanh nghiệp tự "rút máu" để tồn tại trước.
Liên quan đến lãi vay cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, phát biểu tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp diễn ra vào cuối tuần qua, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công và cũng chính là con trai của ông Thành đã đưa ra đề xuất nên giảm trần lãi suất kỳ hạn dài trên 1 năm xuống (có thể xoay quanh mức 5%), từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.
Theo doanh nhân này, thời gian qua, Thủ tướng, Chính phủ đã những quyết sách từ kiểm soát dịch, đến phát triển kinh tế được người dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao.
"Tuy nhiên, có một vấn đề rất căn cơ hiện nay là giá vốn của các ngân hàng. Do lãi suất huy động vẫn còn cao nên lãi suất cho vay chưa thế giảm xuống thấp. NHNN vẫn đang áp dụng trần lãi suất tiền gửi 6 tháng 4,75%, nhưng các ngân hàng phải cạnh tranh về nguồn vốn huy động nên lãi suất tiền gửi 1 năm trở lên vẫn còn rất cao. Theo đó, cần có quy định trần lãi suất tiền gửi 1 năm là 5%, luỹ tiến 0,5% thêm 1 năm nữa để ngân hàng có thể huy động vốn giá rẻ để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Đặng Hồng Anh kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Đặng Hồng Anh cũng đề xuất Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán có chính sách hỗ trợ thị trường vốn, tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết.
Thống kê thị trường của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, lãi suất huy động VND tiếp tục giảm ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn.
Cụ thể, tại nhóm ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại có vốn chủ sở hữu dưới 5.000 tỷ đồng và trên 5.000 tỷ đồng có lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng giảm lần lượt 0,05%, 0,09% và 0,09% xuống mức 6,4%/năm, 7,35%/năm và 6,77%/năm. Kỳ hạn 6 tháng cũng có mức giảm từ 0,06-0,1%.
Tuy nhiên, ở các kỳ hạn tiết kiệm từ 13 tháng trở lên, lãi suất vẫn đang duy trì ở mức rất cao và có chênh lệch lớn với lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Thậm chí, theo biểu lãi suất niêm yết tại các ngân hàng, có ít nhất 10 ngân hàng thương mại đang có lãi suất huy động VND vượt trên 8%/năm.
Mức lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất hiện nay là 9,2%/năm áp dụng tại ngân hàng SHB kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi trên 500 tỷ đồng.