Tuy nhiên trên thực tế nhiều hộ nuôi tôm vẫn ứng dụng theo cách truyền thống, dẫn đến rủi ro cao, dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, thất thu. Vì vậy, ngành chức năng đang khuyến khích người nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Cụ thể, nhiều người nuôi tôm cho biết, nếu nuôi tôm theo cách truyền thống thì thường mỗi năm sẽ chỉ nuôi được một vụ tôm. Trong khi, nuôi tôm theo công nghệ mới, mỗi năm có thể nuôi được từ 2-3 vụ. Nhưng chi phí bỏ ra ban đầu khá cao khiến cho nhiều người vẫn e dè việc chuyển đổi.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc - người nuôi tôm tại huyện Nhơn Trạch, gia đình bà hiện vẫn nuôi tôm theo cách truyền thống. Bà Ngọc chỉ cần thả tôm giống và chờ đến ngày thu hoạch, nhưng hiện nay nguồn nước bị ô nhiễm khiến dịch bệnh tăng cao, tôm chết rất nhiều.
"Tính ra nếu êm xuôi thì vẫn có lãi nhưng rủi ro gặp dịch bệnh hoặc nước ô nhiễm thì mùa đó mất trắng, ôm nợ. Có lẽ xuất xong lứa này có chút vốn tôi sẽ đổi sang nuôi tôm công nghệ cao. Nếu giữ mãi cách nuôi truyền thống có khi mất luôn nhà cửa"- bà Ngọc chia sẻ.
Còn ông Võ Duy Thạch - người nuôi tôm ở huyện Trảng Bom cho hay, bây giờ nhiều nơi nuôi tôm thâm canh trong nhà lưới theo quy trình CPF (ao nuôi được lót đáy bạt và phủ lưới). Cách nuôi này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu chọn con giống sạch, chất lượng đến tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào, sử dụng vi khuẩn có lợi cạnh tranh với vi khuẩn có hại.
Đặc biệt, ao nuôi được thiết kế để các chất thải, chất bẩn tập trung lắng xuống khu trũng ở đáy ao. Người nuôi vệ sinh hằng ngày và hút các chất bẩn ra khỏi ao nuôi nên hạn chế được rủi ro dịch bệnh cho con tôm.
Theo Phòng NNPTNT huyện Nhơn Trạch, hiện toàn huyện có khoảng 1.900ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản, trong đó gần 1.600ha nuôi thủy sản nước lợ. Tuy nhiên, số hộ nuôi tôm công nghệ chỉ khoảng 31 hộ với 66ha. Năng suất trung bình của các hộ ứng dụng công nghệ cao đạt 15 tấn/ha/vụ, doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/ha.