Vượt nghèo nhờ vốn ưu đãi
Anh Phùng Càn Sai (thôn Bản Khun, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê) được biết đến là một trong những tấm gương vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững tại địa phương nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.
Thông qua Hội ND huyện Bắc Mê, anh Sai vay vốn từ Ngân hàng CSXH với số tiền hơn 50 triệu đồng để đầu tư xây chuồng trại và mua trâu, bò về nuôi theo hướng hàng hóa. Mỗi năm, gia đình anh có thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng từ bán trâu, bò.
Đáng chú ý, không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Sai còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trong thôn để cùng thi đua làm giàu. Anh còn vận động bà con trả lãi, vốn vay đúng hạn.
Cũng vươn lên từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, chị Nông Thị Tươi (thôn Hạ Sơn 1, xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê) tâm sự: Với người dân nông thôn, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn ban đầu; vì nếu vay vốn ở các ngân hàng thương mại khác thì hiệu quả sản xuất không đủ trả tiền lãi. "May, nhờ có nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mới có cơ hội để phát triển kinh tế gia đình".
Ông Triệu Càn Diết- Trưởng thôn và cũng là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bản Khun, xã Yên Cường, cho biết: Hiện, thôn có 70/130 hộ vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện. Năm 2019, thôn rất vinh dự có hộ anh Phùng Càn Sai được Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH tặng giấy khen vì "Đã có thành tích thực hiện vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020".
Tạo tiền đề cho nông dân phát triển
Theo báo cáo Hội ND tỉnh Hà Giang: Tính đến ngày 31/3/2020 tổng dư nợ ủy thác với Ngân hàng CSXH của Hội ND trong toàn tỉnh là trên 800 tỷ đồng tạo điều kiện cho 22.152 hộ vay; nợ quá hạn 0,12% giảm 83 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ hội viên nghèo đã có thêm vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu đời sống, có điều kiện cho con em được học tập và phát triển; góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Một số huyện đã làm tốt công tác huy động tiền gửi tổ chức, dân cư, thực hiện tốt tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn cao và có lãi tồn giảm so với đầu năm như: Bắc Quang, Mèo Vạc, Yên Minh, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Quản Bạ...
Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Không chỉ giúp các hội viên vươn lên ổn định cuộc sống, thông qua hoạt động quản lý điều hành nguồn vốn vay, đội ngũ cán bộ Hội ND các cấp được rèn luyện phát triển các kỹ năng nghiệp vụ công tác hội, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hội viên ở cơ sở. Từ đó xây dựng kế hoạch, biện pháp phù hợp để tạo sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội.
Bên cạnh uỷ thác vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả, Hội ND Hà Giang cũng đang quản lý hơn 23,5 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân tạo điều kiện cho 424 hộ vay vốn.
Theo ông Thủy: Cùng với các nguồn lực đầu tư, Hội ND tỉnh đã mở các lớp dạy nghề, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ hội viên tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, khơi dậy tinh thần sáng tạo, năng động trong làm ăn của hội viên.
Năm 2019, Hội xây dựng được 51 mô hình kinh tế hiệu quả; 84 chi hội, tổ hội nghề nghiệp, giúp hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, đưa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đi vào thực chất.