Chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, huyện Nhà Bè đề ra chương trình đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính là rất chính xác, đồng thời đề nghị Đảng bộ huyện đẩy mạnh việc quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển lên quận trước 2030.
Đón thời cơ…
Nguyên Bí thư Huyện ủy Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu nhận xét, người dân ngày càng thấy rõ hơn vai trò chủ thể của mình trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương, đúng với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ". Trong giai đoạn tới, huyện tiếp tục nâng chất các tiêu chí NTM đã đạt.
Đảng bộ huyện Nhà Bè cho rằng, với định hướng phát triển TP.HCM về phía Nam, cùng với chủ trương thành phố đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh sẽ thúc đẩy sự phát triển các dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Phước Kiểng - Nhơn Đức sẽ tạo động lực thu hút các nguồn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện.
Trong giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ huyện Nhà Bè đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm. Trong đó, ngành thương mại - dịch vụ tăng 12,5%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 10,5% và nông, lâm, thủy sản tăng 0,7%. Nhà Bè đặt mục tiêu đến 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng.
Bên cạnh đó, xu hướng đô thị hóa tiếp tục diễn ra, dân số tăng nhanh; khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tác động rất lớn đối với mọi mặt đời sống xã hội. Những vấn đề trên vừa mở ra các điều kiện mới để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong lãnh đạo, quản lý.
Vì thế, công tác lãnh đạo quản lý phải nhạy bén, đáp ứng kịp thời những chuyển biến nhanh của đời sống xã hội và đòi hỏi của nhân dân ngày càng cao; việc quản lý dân cư, bảo đảm an sinh xã hội, xử lý môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thì huyện Nhà Bè phải có quy hoạch theo hướng đô thị, với hệ thống giao thông, công viên, trường học, giải trí được nâng cấp…
Tập trung nâng chất nông thôn
Trong 5 năm qua, kinh tế huyện Nhà Bè tăng trưởng ổn định 12,14%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (12%). Đặc biệt, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất (bình quân 12,53%) và chiếm 95% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng của huyện từng bước hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai xây dựng ngày càng chặt chẽ, phát triển khu đô thị mới có chuyển biến tích cực, quản lý đất đai xây dựng có nhiều tiến bộ.
Cùng với đó, thông qua thực hiện cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, huyện xóa toàn bộ 46/46 điểm đen về rác; đạt 19/19 chỉ tiêu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới… Nhưng, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 86% chỉ tiêu nghị quyết (đạt hơn 65 triệu đồng/năm, trong khi nghị quyết là 76 triệu đồng/người/năm).
Theo ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố, sau 10 năm làm nông thôn mới, huyện Nhà Bè đang đi đầu trong tiêu chí thu nhập so với 4 huyện còn lại của TP.HCM. Đây cũng là địa phương có khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị thấp nhất.
Xuất phát từ thực tiễn phát triển của Nhà Bè và cũng phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố, xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Nhà Bè phải hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từng bước tạo điều kiện, môi trường sử dụng mức cao nhất lực lượng lao động trên địa bàn huyện...