Dân Việt

Giống lúa không phép Thiên Đàng lan ra nhiều địa phương: Tăng cường kiểm soát

Huỳnh Xây - Dũ Tuấn 17/05/2020 13:01 GMT+7
Không nằm trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nhưng giống lúa Thiên Đàng đã xuất hiện ở nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long và lan ra Bình Định. Tại sao đơn vị kinh doanh giống lúa này lại “lộng hành” đến vậy?

Giống lúa không nằm trong danh mục

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực ngăn chặn người dân trên địa bàn gieo sạ lúa giống Thiên Đàng bởi loại lúa này không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Một số diện tích gieo sạ giống lúa này đã thu hoạch nhưng doanh nghiệp thu mua không theo hợp đồng đã ký kết ban đầu...


Ngăn chặn dùng giống lúa không phép Thiên Đàng - Ảnh 1.

Nông dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang trồng giống lúa Thiên Đàng không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: H.X

Giống lúa Thiên Đàng không có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo quy định tại Điều 15 của Luật Trồng trọt. Qua khảo sát lúa giống Thiên Đàng gieo trồng bị nhiễm đạo ôn và một số đối tượng dịch hại khác như: Muỗi hành, sâu lá, đạo ôn…, khác những lời quảng cáo "có cánh" trên mạng xã hội.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có rất nhiều nông dân ở huyện Tân Hồng và Châu Thành hợp đồng với Công ty TNHH Giống Lúa Thiên Đàng để gieo sạ giống lúa Thiên Đàng với tổng diện tích 54,5ha. 

Qua xác minh của cơ quan chức năng, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng có trụ sở chính ở ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Công ty này cung cấp giống lúa và bao tiêu sản phẩm, ký hợp đồng từng hộ nông dân, không có xác nhận địa phương, không xác nhận của văn phòng công chứng. Hiện nay, một số diện tích đã thu hoạch, doanh nghiệp tiến hành thu mua nhưng không theo hợp đồng đã ký kết ban đầu.

Trong khi đó, ngành chức năng tỉnh An Giang cũng đang đau đầu vì diện tích trồng tự phát giống lúa Thiên Đàng có sự gia tăng. Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh, vụ thu đông năm 2019, diện tích lúa Thiên Đàng trên địa bàn là 72,3ha, đến vụ đông xuân 2019-2020 đã tăng lên 296,5ha (27 hộ nông dân), tập trung tại các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú và TP.Long Xuyên.

Không chỉ hoành hành tại nhiều tỉnh miền Tây, giống lúa Thiên Đàng với những lời quảng cáo có cánh "có thể chữa bệnh" đã xuất hiện trên cánh đồng Bình Định. 

Trước vụ sản xuất lúa đông xuân 2019-2020, tại tỉnh Bình Định đã xuất hiện một số cá nhân tự xưng là đại diện Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn) đặt vấn đề với chính quyền xã này về việc tổ chức tặng quà từ thiện cho những gia đình khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, công ty này cũng tổ chức giới thiệu, quảng bá giống lúa "Thiên Đàng MS 2019". 

Những người đại diện Công ty Thiên Đàng quảng cáo giống lúa này gieo sạ "không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật vẫn kháng được sâu bệnh, năng suất cao, ăn gạo của giống lúa này có thể chữa được bệnh".

Tăng cường kiểm soát

Ngăn chặn dùng giống lúa không phép Thiên Đàng - Ảnh 3.

Ngăn chặn dùng giống lúa không phép Thiên Đàng - Ảnh 4.

Bao bì giống lúa Thiên Đàng. Ảnh: H.X

Nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống lúa tại địa phương, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp đề nghị các địa phương trong tỉnh chỉ đạo người dân không tiếp tục gieo trồng giống lúa có tên "Thiên Đàng" nhằm tránh thiệt hại xảy ra trong sản xuất. 

Đồng thời, khuyến cáo sử dụng giống lúa có năng suất cao thuộc các giống lúa chủ lực trong kế hoạch sản xuất ở địa phương, phù hợp thị trường và phát triển theo hướng cánh đồng lớn, có liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị các địa phương rà soát, thống kê tình hình sản xuất giống lúa tự cho là giống "Thiên Đàng", sau đó gửi về Sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh giống lúa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và kịp thời trao đổi với Thanh tra Sở NNPTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để được hỗ trợ, hướng dẫn quản lý.

Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, theo đề nghị của ngành chức năng một số địa phương lân cận, nơi đây là thành lập đoàn đi xác minh địa chỉ Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng - nơi mua bán lúa giống "Thiên Đàng".

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty trên có trụ sở chính ở số 24, Quốc lộ 1A, ấp Phú Thạnh, xã Tên Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, khi Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đến đây lại không tìm thấy công ty này mà chỉ thấy điểm kinh doanh bia và nước ngọt.

Ông Võ Văn Sum là chủ nhà địa chỉ trên khẳng định gia đình chỉ bán bia và nước ngọt. Ông hoàn toàn không hay biết việc Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng lấy địa chỉ nhà ông để đặt trụ sở công ty.

Còn Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh An Giang thì cho biết, trong tháng 3 vừa qua, đã làm việc với đại diện Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng. Theo đó, phía công ty đã thừa nhận hành vi thương mại giống lúa "Thiên Đàng" - cây trồng không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Sau đó, Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh An Giang đã lập biên bản vi phạm hành chính.

Tương tự, ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này đã có văn bản đề nghị các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không sử dụng giống lúa "Thiên Đàng MS 2019" để gieo sạ.

Ông Hùng cho hay, Sở đã đề nghị các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân tuyệt đối không liên kết, sản xuất, gieo trồng giống lúa "Thiên Đàng MS 2019"...; rà soát, thống kê các hộ dân đã gieo trồng giống lúa "Thiên Đàng MS 2019" trong vụ đông xuân 2019 - 2020 để có biện pháp xử lý kịp thời. Kiên quyết không để các hộ trao đổi, mua bán giống lúa này với mục đích làm giống.

"Tổ chức, cá nhân nào sản xuất giống lúa này là vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt, có thể bị xử lý theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ"- ông Hùng khẳng định.