Dân Việt

Quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên làm giàu nhờ nuôi cá lồng, trồng rau trái vụ

Thu Hà 14/05/2020 05:06 GMT+7
Nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) những năm qua đã tiếp vốn cho nhiều nông dân làm giàu nhờ đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Đó là mô hình nuôi cá lồng, trồng rau trái vụ, trồng cây ăn quả...

Trong 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội đã giải ngân quay vòng hơn 103 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND). Quỹ Hội đã tạo điều kiện cho hơn 8.000 lượt hộ vay vốn đầu tư thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao thu nhập.

Tích cực tăng trưởng Quỹ HTND

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 27/CT-UBND, ngày 20/10/2009, của UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác xây dựng "Quỹ Hỗ trợ nông dân" TP.Hà Nội, Hội Nông dân huyện Gia Lâm đã phát huy hiệu quả của nguồn quỹ này, trở thành "bà đỡ" của nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn.

Ông Chu Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban Chấp hành Hội ND huyện đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu vận động, xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân tới 20 cơ sở Hội trực thuộc từ 3-10 triệu đồng/cơ sở/năm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức tuyên truyền vận động trong cán bộ, hội viên nông dân, các tổ chức xã hội, hộ sản xuất kinh doanh giỏi và nhân dân trong địa bàn tích cực ủng hộ xây dựng quỹ theo chỉ tiêu được giao.

Tiếp vốn nuôi cá lồng, trồng rau trái vụ - Ảnh 1.

Nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân giúp nhiều hộ hội viên xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội trồng rau trái vụ...

Hội Nông dân các xã, thị trấn đã tổ chức trên 300 buổi tuyên truyền cho gần 70.000 lượt hội viên nông dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa của Quỹ hỗ trợ nông dân. Đáng chú ý, Hội còn thành lập các tổ, nhóm nòng cốt đi trực tiếp các hộ gia đình để tuyên truyền vận động ủng hộ.

Kết quả, qua 10 năm, ngân sách huyện cấp bổ sung cho Quỹ hỗ trợ nông dân huyện 4,950 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện đạt 6,990 tỷ đồng.

Tại cấp cơ sở, 100% cơ sở Hội đã tổ chức phát động, tuyên truyền vận động trong cán bộ, hội viên nông dân về công tác xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đặc biệt, Đảng ủy cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn trình HĐND phê chuẩn để UBND trích một phần ngân sách địa phương bổ sung tăng Quỹ HTND hàng năm. Kết quả, Quỹ Hỗ trợ nông dân cơ sở đến nay đạt hơn 1,766 tỷ đồng. Hiện nay, Hội Nông dân huyện Gia Lâm đã thực hiện đảm bảo 100% các xã, thị trấn chuyển nguồn lên huyện quản lý.

Tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Hội ND huyện Gia Lâm cho vay quay vòng trong 10 năm qua là 103,274 tỷ đồng, cho 8.480 lượt hộ vay với 345 dự án. Trong đó, nguồn vốn thành phố ủy thác 78,250 tỷ đồng với 6.405 lượt hộ vay; nguồn vốn của huyện 21,220 tỷ đồng với 1.612 lượt hộ vay; nguồn vốn vận động của cơ sở là hơn 3,804 tỷ đồng cho 463 lượt hộ vay.

Kết nối nông dân

Những năm gần đây, nguồn vốn ưu tiên cho vay thực hiện mô hình kinh tế tập thể, tổ hội nghề nghiệp, các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Sự thay đổi này đã góp phần tăng thêm ý nghĩa của nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân".

Ông Chu Anh Tuấn

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho biết: Trong hỗ trợ vốn Quỹ HTND, căn cứ vào nguồn vốn và nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân trong huyện, Hội ND huyện đã phân bổ cho từng đơn vị trong huyện vay thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển kinh tế của từng đơn vị.

"Những năm gần đây, nguồn vốn ưu tiên cho vay thực hiện mô hình kinh tế tập thể, tổ hội nghề nghiệp, các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Sự thay đổi này đã góp phần tăng thêm ý nghĩa của nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Từ nguồn quỹ đã trợ lực giúp nông dân xây dựng nhiều mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình liên kết sản xuất rau an toàn tại Đặng Xá; mô hình nuôi cá lồng, rau trái vụ tại xã Văn Đức; mô hình trồng rau thủy canh tại xã Đa Tốn, mô hình trồng cây ăn quả tại Đông Dư, Đa Tốn, Dương Xá; mô hình trồng cây giống tại Trâu Quỳ; mô hình trồng hoa cây cảnh tại Phù Đổng…" - ông Tuấn thông tin.

Để quản lý tốt các nguồn vốn vay, Hội Nông dân huyện đã tổ chức 30 buổi tập huấn nghiệp vụ cho 2.850 lượt cán bộ Hội ND. Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp tổ chức 1.200 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 140.000 lượt hội viên tham dự.

Bên cạnh đó, Ban kiểm tra, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân huyện đã chủ động xây dựng chương trình công tác kiểm tra ngay từ đầu hàng năm. Cấp huyện đã tổ chức trên 100 buổi kiểm tra đến 100% cơ sở Hội về công tác quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân. Cấp cơ sở đã tổ chức trên 1.000 buổi kiểm tra 100% các chi hội và các hộ vay vốn.