Vải chín sớm xuất khẩu sang Trung Quốc bình thường
Đã có những container vải chín sớm đầu tiên của "thủ phủ" vải Lục Ngạn được xuất khẩu sang Trung Quốc với giá rất ổn định.
Ông Đinh Văn Tỵ, chủ đại lý mua bán nông sản Tỵ Hoàn, thôn Mào Gà, xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn) cho biết, ông đang thu mua vài chín sớm của người dân để xuất sang Trung Quốc với giá 30.000 đồng/kg.
"Mỗi ngày cơ sở của tôi sơ chế, đóng gói để xuất khẩu sang Trung Quốc 1 container, tương đương khoảng 12 tấn, việc xuất khẩu rất thuận lợi" - ông Tỵ nói.
Cũng theo ông Tỵ, việc thông thương tại các cửa khẩu cũng rất thuận lợi, sau khi Hải quan Trung Quốc tăng số giờ làm thủ tục thông quan.
Ông Tỵ cho biết, chỉ vài tuần nữa, việc thu mua, xuất khẩu vải thiều sẽ trở nên sôi động.
Ông Hoàng Ngọc Thanh, trưởng nhóm quản lý mã số vùng trồng vải xuất khẩu xóm Lâm, xã Nam Dương (huyện Lục Ngạn) cho biết, hiện, diện tích vải của các thành viên trong nhóm đang phát triển tốt, dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6 sẽ bắt đầu thu hoạch.
"Đúng là dịch Covid-19 cũng khiến chúng tôi lo lắng phần nào, nhưng hiện tại đã có thương nhân Trung Quốc đặt mua, những lô hàng vải sớm đầu tiên cũng đã được xuất khẩu thuận lợi nên chúng tôi không quá lo lắng. Chất lượng vải thiều Lục Ngạn đã được khẳng định, các thương nhân Trung Quốc cũng thường đến vườn của chúng tôi đặt mua trực tiếp nhờ chất lượng sản phẩm đã được khẳng định" - ông Thanh nói.
Ông Trần Văn Lân ở thôn Lâm, xã Nam Dương cho biết, với 650 cây vải thiều đang phát triển rất tốt, vụ vải này, gia đình ông dự kiến thu 35 tấn.
"Tôi không lo lắng về đầu ra vì vải thiều của thôn Lâm luôn được đánh giá cao về chất lượng, tôi chỉ mong năm nay trái vải ở vườn này sẽ được sang Nhật là hạnh phúc lắm rồi" - ông Lân hồ hởi chia sẻ.
190 thương nhân Trung Quốc sẽ được cách ly 14 ngày trước khi mua vải
Theo ông La Văn Nam- Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, để chủ động tiêu thụ vải thiều cho người dân được thuận lợi, huyện đã xây dựng 3 kịch bản cụ thể.
Theo đó, trong trường hợp còn dịch Covid-19, xuất khẩu khó khăn thì sẽ tập trung tiêu thụ ở thị trường nội địa là chính, xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Kịch bản thứ 2, nếu dịch Covid-19 lan rộng, khó có thể xuất khẩu thì đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, xúc tiến thương mại ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp.
Đồng thời tổ chức sấy khô, ép nước, trữ đông chờ điều kiện tốt để bán. Hiện, Lục Ngạn đã có 400 lò sấy, công suất 13.000 - 15.000 tấn.
Kịch bản thứ 3 là dịch Covid-19 tạm lắng thì sẽ tổ chức tiêu thụ, xuất khẩu như mọi năm.
"Kinh nghiệm của các năm trước cho thấy, nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại thì sẽ không lo về thị trường. Trong đầu tháng 6, Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và hai điểm cầu Trung Quốc, tổ chức lễ xuất quân đưa vải đi các tỉnh, thành phố; chúng tôi cũng lập một trang trên mạng xã hội để tiêu thụ vải thiều" - ông Nam cho biết.
Đối với những thương nhân Trung Quốc sang tổ chức thu mua vải thiều, ông Nam cho biết, huyện đã xây dựng hế hoạch sớm, liên lạc với 190 thương nhân Trung Quốc, họ cũng đã đồng ý sang Việt Nam cùng với doanh nhân Việt Nam thu mua vải.
"Danh sách các thương nhân Trung Quốc này chúng tôi đã gửi về UBND tỉnh, để tỉnh báo cáo với Bộ Công an làm các thủ tục nhập cảnh cho họ. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện tốt phương án phòng dịch Covid-19, đã chuẩn bị đủ phòng, nhân lực để cách ly 190 thương nhân Trung Quốc đủ 14 ngày theo đúng thời gian quy định trước khi mua vải" - ông Nam nói.
Được biết, lúc cao điểm có tới 700 thương nhân đến Lục Ngạn mua vải, hiện huyện đã có phương án cách ly, giám sát để vừa phòng dịch Covid-19 hiệu quả, vừa tiêu thụ giúp dân thuận lợi.