Dân Việt

Trồng rau rừng bán đắt, thương lái tranh nhau mua, dân ở đây kiếm bộn tiền

Trần Trung 14/05/2020 13:10 GMT+7
Lá nhíp là loại rau rừng gắn với đồng bào S’Tiêng tỉnh Bình Phước. Từ sản vật tự nhiên, lá nhíp là rau rừng giờ đã trở thành cây trồng chủ lực xóa nghèo của bà con nơi đây.

Đến với những phum sóc người đồng bào S’Tiêng trên mảnh đất huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) những ngày này, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhóm thanh niên hay những cụ già đang gùi trên lưng giỏ rau rừng thong dong trên mọi nẻo đường.

Theo chân già làng Điểu Tang vào vườn rau rừng

Theo tìm hiểu của PV, từ lâu đời, với lối sống du canh du cư, các sản phẩm từ rau rừng như đọt mây, lá nhíp đã “bám” vào các bữa ăn của bà con S’Tiêng. 

Thích ăn rau rừng, mê trồng rau rừng bán kiếm bộn tiền là vùng đất này - Ảnh 1.

Già làng Điểu Tang bên vườn lá nhíp -loại rau rừng đặc sản lâu năm của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ngày nay, nhờ các chính sách của đảng, nhà nước bà con đã sống định cạnh định cư, cùng với đó diện tích rừng ngày càng thu hẹp, các sản vật tự nhiên, trong đó có rau rừng ngày càng mất đi. Những năm gần đây, bà con dân tộc đã biến ưu đãi thiên thiên thành tài sản riêng của mình.

Theo chân già làng Điểu Tang (ngụ xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đến thăm những vườn lá nhíp trồng bạt ngàn tại địa phương, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. 

Cầm nắm lá nhíp còn tươi xanh vừa mới hái trên tay, già làng cho biết, khoảng 10 năm trước, khi diện tích rừng ở huyện Bù Đăng bắt đầu bị thu hẹp, nhiều già làng lo sợ loại rau rừng như cây lá nhíp sẽ tuyệt chủng nên bứng đem về trồng trong vườn nhà để vừa lưu giữ giống...

Trồng rau nhíp rừng vừa có rau sạch ăn hàng ngày mà không phải vào rừng tìm hái.

Già làng Tang chia sẻ: “Cây lá nhíp thường mọc hoang trong các khu rừng rậm ở trên các đỉnh đồi, trước đây không tới 10 phút người dân trong sóc đã đến được rừng để hái từng gùi rau rừng đem về nhà.  Hiện tại, do nhà nước chuyển đổi rừng sang trồng cây cao su, rừng cách địa phương rất xa, để đến được rừng bà con phải vượt quãng đường gần 40 km. Vì vậy, già đã nảy sinh ra ý nghĩ mang cây rau rừng này về trồng”.

Nghĩ là làm, sau 3 năm bỏ công lặn lội lên rừng tìm giống rau rừng, đến nay, hơn 1 ha đất dưới tán điều của già làng Điểu Tang đã phủ kín vườn cây lá nhíp. Già làng Tang cho biết thêm, mặc dù là loại rau rừng, nhưng khi mang về trồng, rau nhíp phát triển rất nhanh. Không cần phân thuốc nhưng cây rau rừng phát sinh trưởng phát triển tốt, cho lá quanh năm.

 “Thấy già trồng được rau rừng, hiện cả sóc cũng làm theo, người ít vài trăm cây, nhà nhiều cả mẫu đất”, già làng Điểu Tang nói.

Trồng rau rừng-Cải thiện thu nhập

Từ việc trồng để cải thiện bữa ăn, thế nhưng vài năm trở lại đây, do du lịch phát triển và nhu cầu ăn thực phẩm sạch tăng cao, nhiều người dân thành thị đã đổ xô về các vùng nông thôn để săn tìm rau sạch, nhất là rau rừng. Nhờ vậy, đời sống bà con đồng bào tại các địa phương ngày càng cải thiện từ bán lá rau nhíp.

Thích ăn rau rừng, mê trồng rau rừng bán kiếm bộn tiền là vùng đất này - Ảnh 2.

Anh Điểu Son vui mừng vì có thêm thu nhập từ trồng rau rừng, cụ thể là trồng rau lá nhíp. Ảnh: Trần Trung.

Anh Điểu Son (thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) cho biết, gia đình anh có 2 ha rẫy trồng điều, những năm qua, điều mất mùa, mất giá nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, tận dụng 2 sào đất dưới tán điều trồng cây lá nhíp chủ yếu để ăn. 

Thời gian gần đây rất nhiều người ở nơi khác đến hỏi mua rau rừng, với giá dao động từ 40.000 đến 80.000 đồng/kg, có thời điểm trên 100.000 đồng/kg. Từ 2 sào cây rau lá nhíp, gia đình anh thu nhập thêm hơn 20 triệu đồng mỗi năm.

 Anh Son chia sẻ: “Lá nhíp mọc quanh năm, nhưng sau khoảng 5 - 6 trận mưa đầu mùa là thời điểm lá nhíp ngon nhất. Khi này, đọt mầm rau nhíp bung nở, tươi mát nhất. Đồng bào dân tộc tranh thủ vào vườn hái, đây cũng là lúc lá nhíp cho vị ngọt hơn tất cả mọi thời điểm”.

Tương tự, gia đình bà Điểu Ngít cũng có hơn 5 sào trồng rau nhíp đang trong giai đoạn khai thác. Bà Ngít chia sẻ, cây nhíp là rau rừng nên sức sống rất tốt, chỉ cần tưới đủ nước vào mùa khô là cho thu hoạch quanh năm. Đặc biệt càng hái, cây rau nhíp càng ra nhiều lá non. Hiện nay, mỗi tuần, gia đình bà hái hơn 20 kg lá nhíp. Với giá bán rau lá nhíp là 50 ngàn/kg, 1 tháng thu nhập trên 2 triệu đồng. 

“Nhờ trồng rau nhíp, trồng rau rừng rất nhiều hộ dân trong thôn đã thoát được đói nghèo”, bà Ngít phấn khởi nói.