Dẫn đầu khu vực về sản phẩm được công nhận OCOP
Ông Mai Đình Lợi – Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, vào tháng 7/2018, tỉnh Quảng Nam bắt đầu triển khai thực hiện Phương án OCOP thí điểm Đề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 và có 17 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Kết quả có 25 sản phẩm được UBND tỉnh Quyết định công nhận hạng sao OCOP. Đây được xem là thành quả bước đầu với cách làm hiệu quả của tỉnh Quảng Nam.
"Tiếp tục thành công trên, năm 2019 được xem là một trong những năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Nam với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, chính quyền, người dân và đặc biệt là các chủ thể. Tất cả 18/18 huyện, thị xã, thành phố đều tham gia Chương trình. Kết quả đánh giá đã có 86 sản phẩm được công nhận hạng sao OCOP, tăng hơn 3 lần so với năm 2018…", ông Lợi phấn khởi chia sẻ.
Như vậy, qua 02 năm (2018 và 2019) thực hiện Chương trình OCOP, Quảng Nam có 106 sản phẩm được UBND tỉnh quyết định công nhận hạng sao (bao gồm cả sản phẩm nâng cấp); trong đó, có 18 sản phẩm đạt 4 sao, 88 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được công nhận chủ yếu nằm ở nhóm thực phẩm (78 sản phẩm); đồ uống (10 sản phẩm); Thảo dược (7 sản phẩm); Hàng thủ công mỹ nghệ (9 sản phẩm) và sản phẩm vải và may mặc (2 sản phẩm).
Theo đánh giá của ông Lợi, các sản phẩm được công nhận hạng OCOP từ 3 sao trở lên đều có sự cải tiến rất rõ nét về mặt chất lượng, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm (có trên 70% sản phẩm có mã số, mã vạch; trên 50% sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Cục Sở hữu trí tuệ…), các sản phẩm đều có kiểm định về tiêu chuẩn, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đặc biệt, có được thành công như vậy phải kể đến sự mạnh dạn đầu tư, thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng… đã được xúc tiến hỗ trợ nhanh chóng.
Nhất là nhiều chủ thể đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm cải thiện, nâng cao hơn nữa năng suất và chất lượng sản phẩm. "Rất vui mừng là có hàng chục chủ thể sản xuất ở lứa tuổi thanh niên, có trình độ cao đẳng, đại học đã chọn OCOP với mô hình là HTX hoặc doanh nghiệp để khởi nghiệp sáng tạo…", ông Lợi thông tin.
Nhiều tỉnh về học tập, trao đổi kinh nghiệm
Để khuyến khích phát triển Chương trình OCOP hiệu quả, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Nam cũng đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách riêng, nổi trội, đồng thời lồng ghép các chính sách đã có, để hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, giúp chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.
"Trong năm 2019, đã có 09 đoàn công tác của các tỉnh đến Quảng Nam để học tập, trao đổi kinh nghiệm về triển khai Chương trình OCOP, như: Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa, ĐăkLak, Nghệ An, Quảng Trị... và các tỉnh đã đánh giá cao về cách làm của tỉnh.", ông Lợi chia sẻ.
Được biết, kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 140 sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP, nếu 80% trong số này đạt hạng 3 sao trở lên, thì trong vòng 3 năm (2018 - 2020), tỉnh Quảng Nam có trên 200 sản phẩm OCOP, đạt mục tiêu Đề án OCOP đã đề ra.
Chương trình OCOP ở Quảng Nam đã và đang ngày càng khẳng định được thương hiệu và trở thành nét riêng, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất tập trung, bền vững và gia tăng giá trị sản phẩm, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch tỉnh Quảng Nam...