Vấn đề này được đặt ra tại phiên họp thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh phương thức đầu tư 8 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam do UB Kinh tế của Quốc hội tổ chức chiều 14/5. Đây là nội dung được trình cấp tốc, được đặt trong chương trình làm việc dự phòng của UB Thường vụ Quốc hội phiên họp thứ 45. Nếu qua được vòng thẩm tra, nội dung này sẽ được trình Thường vụ cho ý kiến vào chiều buổi chiều ngày thứ Bảy, 16/5.
Thay mặt Chính phủ trình đề xuất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu nhiều lý do cần phải xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 từ đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) có sử dụng một phần vốn đầu tư công sang sử dụng 100% vốn đầu tư công, trong đó nhấn mạnh sự khó khăn về nguồn tín dụng có thể huy động cho dự án.
“Ngân hàng Nhà nước có thể chỉ đạo được các ngân hàng thương mại cho vay vốn với cácdự án BOT không? Xin thưa là không. Chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước rồi và câu trả lời là không chỉ đạo được các ngân hàng cho vay như vậy. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng mới có báo cáo là nguồn vốn rất khó khăn, nợ xấu BOT rất lớn” - ông Thể trình bày.
Khó khăn mang tính quyết định để phải chuyển đổi phương thức đầu tư 8 dự án này, theo Bộ trưởng Thể, 7 dự án có 2 nhà đầu tư trở lên vượt qua sơ tuyển là các nhà thầu, không có các tập đoàn lớn. Mà nhà thầu thì mạnh về thi công, còn vốn rất khó khăn.
Băn khoăn với vấn đề Bộ trưởng Giao thông Vận tải nêu ra, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi, giải quyết hệ lụy thế nào khi 7/8 dự án đã có nhà đầu tư được chọn qua sơ tuyển?
Ông Thanh cũng nêu quan điểm, về phương án tài chính, khi chuyển đổi 8 dự án này sang đầu tư công thì nhà nước cần bố trí thêm 44.493 tỷ đồng ngân sách.
Chính phủ cho biết đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, bố trí tiền trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông. Chính phủ sẽ chỉ đạo, tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Dù vậy, Chủ nhiệm UB Kinh tế vẫn không yên tâm, yêu cầu phải làm rõ cơ chế xử lý khoản tiền lớn này vì Quốc hội khoá XIV chỉ “xử” được phần tiền cho năm 2021 còn tiền cho giai đoạn 2021 đến 2026 thì Quốc hội khoá này không xử lý được. Đó là còn chưa tính tới việc năm nay, ngân sách nhà nước nhiều khả năng sẽ hụt thu không nhỏ.
Chia sẻ lo lắng này, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nêu con số, có 13/14 thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, có cơ sở để bố trí vốn đầu tư công cho 8 dự án và việc điều chỉnh phương thức đầu tư như đề xuất là khả thi, nhưng thành viên duy nhất chưa có ý kiến lại là lãnh đạo Bộ Tài chính – cơ quan cấp tiền.
Ông Tiến đề nghị phía Bộ Tài chính có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Khẳng định rất muốn ủng hộ đề xuất của Chính phủ nhưng uỷ viên Thường trực UB Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho rằng, thông tin nêu ra chưa đủ thuyết phục.
Liên quan đến khó khăn về nguồn vốn vay cho các dự án này, ông Sinh nhắc lại: “Năm 2017 khi thẩm tra để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam, UB Kinh tế đã đặt vấn đề rủi ro khi huy động vốn vay sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi đó, Chính phủ trình bày rất hay nên Quốc hội mới quyết định 8 dự án đó thực hiện theo phương thức đầu tư PPP. Nay thì sao?”.
Ngoài ra, lý do nêu khó khăn với các dự án này là do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 nên bắt buộc phải thực hiện việc điều chỉnh, các ý kiến thẩm tra cũng cho là chưa đủ thuyết phục.