Ngày 15/5, tỉnh Vĩnh Long đã quyết định xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng kinh phí 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đất nước Việt Nam có lợi thế quan trọng nhất về nông nghiệp với truyền thống mấy nghìn năm của nền văn minh lúa nước.
Bên cạnh vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, ngành nông nghiệp còn là truyền thống văn hóa, là bề dày lịch sử.
Với một bề dày như thế, việc tôn tạo, thu nhập, nghiên cứu các tư liệu lịch sử, các giai đoạn phát triển của nền nông nghiệp để giới thiệu đến mọi người là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, câu chuyện ai làm, làm như thế nào, thời điểm ra sao lại là câu chuyện khác.
Vậy theo ông, việc tỉnh Vĩnh Long đề xuất xây dựng bảo tàng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thời điểm này có hợp lý?
- Như tôi đã nói, với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, việc xây dựng một bảo tàng nông nghiệp là cần thiết.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi dịch Covid-19 dù đã tạm lắng nhưng vẫn gây ra những tác động không nhỏ cho kinh tế - xã hội, hạn mặn vẫn đang hoành hành ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân thì việc bỏ ra 400 tỷ đồng để xây một bảo tàng nông nghiệp ở thời điểm này có vẻ không hợp lý.
Tôi nghĩ, có lẽ, dự án này tỉnh Vĩnh Long đã chuẩn bị từ lâu nhưng thời điểm đưa ra là không hợp lý, tạo ra nhiều bất lợi về mặt dư luận.
Theo ông, việc xây dựng một bảo tàng nông nghiệp ở Việt Nam nên theo hướng nào?
- Tôi cho rằng, bảo tàng nông nghiệp nên đặt ở quy mô quốc gia, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp của một vùng thì nên đặt ở Cần Thơ, và phải có sự tham gia của các tỉnh, thành trong khu vực, chứ không phải ở Vĩnh Long.
Bảo tàng xây dựng với mục đích làm du lịch, phục vụ công tác nghiên cứu, nên việc xây dựng phải tính đến việc khai thác hiệu quả.
Chúng ta có nhiều bảo tàng quốc gia nhưng nhiều nơi vẫn vắng người đến, dù đầu tư lớn, hiện chỉ có hai bảo tàng là Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) và Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP.Hồ Chí Minh) là còn có nhiều người đến xem, còn lại đều rất vắng vẻ.
Do vậy, theo tôi, việc đầu tư quy hoạch xây dựng bảo tàng phải thận trọng.
Việc làm bảo tàng nông nghiệp là cần thiết nhưng nên làm ở cấp quốc gia, phải đặt ở trung tâm của vùng sản xuất nông nghiệp lớn, mang tính chất đại diện, gắn với chuỗi du lịch, có tầm ảnh hưởng đế thu hút khách du lịch.
Hiện có rất nhiều câu hỏi bất lợi cho dự án này như, xây dựng như thế nào, tiền đầu tư công hay tư, cộng đồng hay quốc tế, cách thức phối hợp ra sao, mức độ đầu tư như thế nào, do đó, theo tôi việc triển khai phải vô cùng thận trọng.
Xin cảm ơn ông!
Thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Long, Bảo tàng Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến xây dựng tại khu đất 11,4ha thuộc ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm với tổng nguồn vốn thực hiện là 400 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Dự án được thực hiện theo 3 giai đoạn, kéo dài từ nay đến năm 2027 sẽ khai thác và sử dụng.
Theo thiết kế, khuôn viên bảo tàng được chia thành 4 khu chính gồm: khu phục vụ cho trưng bày và hành chính, khu tái hiện làng quê Nam Bộ xưa, khu tổ chức sự kiện và khu công trình phụ trợ.
Hiện vật và tư liệu trưng bày tại bảo tàng được sắp xếp theo tiến trình lịch sử qua 4 thời kỳ: trước năm 1698 (nền nông nghiệp vương quốc Phù Nam và Chân Lạp); từ 1698-1858 (quá trình Nam tiến và khẩn hoang của các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn); từ 1858-1975 (tổ chức sản xuất nông nghiệp thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hoà) và từ 1975 đến nay (nền nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL thời kỳ đổi mới và hội nhập).
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là một đơn vị sự nghiệp có thu một phần, trực thuộc UBND tỉnh Vĩnh Long.