Dân Việt

Nâng cấp tàu chiến cho Đài Loan, Pháp lĩnh quả đắng nào từ Trung Quốc?

Sputnik 17/05/2020 09:33 GMT+7
Trung Quốc kêu gọi Pháp hủy bỏ hợp đồng nâng cấp tàu chiến cho Đài Loan và cảnh báo quan hệ ngoại giao với Pháp sẽ bị tổn hại sau hợp đồng này.
Nâng cấp tàu chiến cho Đài Loan, Pháp lĩnh quả đắng nào từ Trung Quốc? - Ảnh 1.

Dự án tàu khu trục lớp Lafayette được phát triển bởi công ty đóng tàu của Pháp DCN International (DCNI).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc "bày tỏ mối quan ngại sâu sắc" liên quan đến kế hoạch hiện đại hóa 6 tàu khu trục lớp Lafayette mà thỏa thuận cung cấp các tàu này đã được ký kết vào những năm 1990.

Kế hoạch hiện đại hóa các tàu khu trục nhắc nhở chúng ta về chuyện tai tiếng liên quan đến việc Đài Loan mua các tàu chiến này, ông Andrei Karneev, người đứng đầu Trường Nghiên cứu Đông phương thuộc Trường Kinh tế Cao cấp (HSE) nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

Đầu những năm 1990, Đài Loan đã tổ chức cuộc đấu thầu mua sắm tàu khu trục. Tập đoàn Thales của Pháp đã thắng thầu. Vào năm 1991, hai bên đã ký hợp đồng cung cấp 6 tàu hộ vệ tên lửa lớp Lafayette cho Đài Loan với giá 460 triệu USD mỗi chiếc. Giá trị hợp đồng gần gấp đôi số tiền mà chính quyền Đài Loan ban đầu dự định chi cho việc mua tàu. Các đối thủ cạnh tranh của Thales đã đưa ra các lựa chọn rẻ hơn. Sau đó, phía Pháp bị nghi ngờ sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để thắng thầu ở Đài Loan.

Cuộc điều tra về vụ này đã được mở vào năm 1993, sau khi thi thể của Đại tá Âm Thanh Phong, người chịu trách nhiệm mua sắm  thiết bị quân sự trong Hải quân Đài Loan, được phát hiện gần bờ biển Đài Loan. Theo một giả thuyết, Âm Thanh Phong bị giết vì anh ta đã có ý định tiết lộ thông tin về hành vi tham nhũng.

Mặc dù những chi tiết về cái chết của viên sĩ quan vẫn chưa rõ, nhưng vụ việc thương tâm này đã thu hút sự chú ý của các nhà điều tra về thỏa thuận với Thales. Năm 2001, Đài Loan tuyên bố rằng, họ đã tìm thấy dấu hiệu tham nhũng trong thỏa thuận với Pháp, và một số quân nhân cấp cao của Đài Loan đã mất chức. Tuy nhiên, vụ bê bối với việc mua sắm các tàu khu trục vẫn là một trong những trang đen tối nhất trong thực tiễn hợp tác kỹ thuật quân sự của Đài Loan với nước ngoài.

Dự án tàu khu trục lớp Lafayette được phát triển bởi công ty đóng tàu của Pháp DCN International (DCNI). Tàu lớp này được thiết kế để giải quyết một loạt nhiệm vụ, bao gồm cả việc bảo vệ bờ biển. Ngoài ra, tàu khu trục có thể vào nhóm tàu chiến do tàu sân bay và / hoặc tàu đổ bộ dẫn đầu.

Khi thiết kế tàu khu trục, các chuyên gia tập trung chú ý đến việc giảm sự phản xạ radar, giúp cho tàu khó bị phát hiện hơn trên màn radar, vì mục đích này, trong thân tàu và kiến trúc thượng tầng đã sử dụng công nghệ Stealth. Các nhà thiết kế làm cho tàu được lắp ráp theo dạng module, điều đó cho phép giải quyết một loạt các nhiệm vụ chiến đấu, cũng như tính đến các yêu cầu của khách hàng nước ngoài, bởi vì nhờ đó có thể bổ sung thêm một số thành phần nhất định.

Theo kế hoạch, 6 tàu khu trục của Đài Loan sẽ được trang bị bệ phóng mồi bẫy Dagaie MK2 để bảo vệ tàu chiến khỏi các cuộc tấn công tên lửa. Theo các chuyên gia, điều này sẽ làm tăng đáng kể tiềm năng của Hải quân Đài Loan trong cuộc chiến chống lại các tên lửa chống hạm của Trung Quốc đại lục. Tổng giá trị giao dịch là 800 triệu đài tệ (26,9 triệu USD).

Trước đây, hợp đồng bán tàu khu trục cho Đài Loan đã dẫn đến việc các liên hệ chính trị giữa Bắc Kinh và Paris bị đóng băng. Xét theo mọi việc, thỏa thuận về nâng cấp sáu tàu khu trục, nếu nó được thực hiện, cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Bắc Kinh coi bước đi này là không thân thiện, đặc biệt là, ngoài khía cạnh quân sự thuần túy, thỏa thuận này còn có ý nghĩa chính trị như một dấu hiệu hỗ trợ cho chính quyền Tsai Ing-wen.

Ở đây có thể nhắc nhở về việc, hồi năm ngoái, khi tàu khu trục tên lửa Vendemiaire của Hải quân Pháp đi qua eo biển Đài Loan, Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức và khá gay gắt: Trung Quốc đã rút lại lời mời tàu chiến Pháp tham dự lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân.