Thoạt nghe, nhiều người cứ tưởng chuyện đùa, nhưng những phương pháp này đang được một số nông dân canh tác cây có múi tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đang áp dụng.
Theo các chuyên gia đến từ Trường Đại học Cần Thơ, hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân từ nhện rễ và tuyến trùng tấn công gây hại tạo vết thương, từ đây là điều kiện cho nấm Fusarium solani, Phytopthora spp phát triển.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân gián tiếp là do các điều kiện canh tác, đất, thời tiết... khiến cho hệ miễn dịch của bộ rễ suy yếu. Quan trọng hơn hết, việc nông dân lạm dụng quá nhiều phân hóa học cũng là nguyên nhân khiến cây có múi bị ảnh hưởng.
Từ các nguyên nhân trên, các chuyên gia đã khuyến cáo nông dân triển khai các biện pháp cải thiện đất, áp dụng việc xẻ rãnh xương cá để tránh úng nước trong mùa mưa; xeo đất qua khỏi lớp sét.
Ngoài ra, trong suốt quá trình canh tác, nông dân thường xuyên sử dụng phân hữu cơ (để đất được tơi xốp).
Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác, nông dân chỉ sử dụng phân bón theo khuyến cáo để giúp cây phục hồi rễ trong quá trình trị bệnh, tùy giai đoạn áp dụng.
Với mong muốn cải thiện lại diện tích cây có múi, ông Trần Hữu Hớn ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung đã triển khai mô hình nghiên cứu khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi.
Cùng với các phương pháp khác, ông Hớn cũng áp dụng cách tưới cây bằng nước dừa. Ông Hớn kể, trong một lần tình cờ, tôi được một nhà khoa học ở Trà Vinh hướng dẫn cách xịt quýt bằng nước dừa.
Ông Trần Hữu Hớn chia sẻ, để thực hiện phương pháp này, trái dừa sau khi chặt ra, lấy nước sẽ được pha cùng nước với tỷ lệ: 2 lít nước dừa và 100 lít nước cùng một loại thuốc sinh học rồi phun xịt lên cây như bình thường.
Sau thời gian ban đầu “bán tín, bán nghi”, để có cách cứu lấy vườn quýt nhà đang trong cơn dịch bệnh, tôi quyết tâm làm thử.
Đến nay, ông Hớn đã thực hiện phương pháp tưới nước dừa cho cây có múi trên diện tích 3.000m2. Sau khi áp dụng thử có hiệu quả, ông Hớn cũng giới thiệu cho một số bà con nhà vườn lân cận làm theo.
Không dừng lại ở việc sử dụng nước dừa cho cây, nhiều nhà vườn tại huyện Lai Vung còn “truyền tai nhau” về một nguyên liệu bón cho cây cũng có phần “độc, lạ” không kém, đó là ủ hỗn hợp chuối, trứng vịt cùng với cám.
Cụ thể, để đủ nguyên liệu bón cho 1.000m2 vườn cần phải ủ từ 10-15kg chuối lột vỏ đánh nhuyễn cùng với 10-15 trứng vịt, sau đó cho vào khoảng vài kg cám.
Tất cả hỗn hợp sau khi trộn sẽ được cho vào thùng ủ cùng với nấm vi sinh, tiến hành sục oxy khoảng 24 tiếng mới bắt đầu đưa vào sử dụng.
Là một trong những nhà vườn áp dụng phương pháp này, ông Trần Phú Nhiều ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, ban đầu, nghe bà con xung quanh chỉ nhau cách bón hỗn hợp chuối, trứng vịt, cám cho cây có múi, tôi liền học và về áp dụng trên vườn nhà.
Phương pháp này cũng không tốn kém là bao, vì chuối trong vườn có sẵn, trứng thì chọn những loại rẻ và mua cám. Cách bón cũng đơn giản, cứ pha với nước rồi bón cho cây, nếu sử dụng không hết thì tiếp tục sục oxy chờ đến lần tiếp theo. Hi vọng, sau thời gian áp dụng sẽ hỗ trợ tốt cho cây trồng.
Nhận xét về những phương pháp này, ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung nhận định, thời gian qua, việc nông dân ủ chuối, trứng, nước dừa để tưới, bón cho cây cũng là một giải pháp để chữa bệnh trên cây có múi.
Song, để đánh giá hiệu quả mang lại từ các phương pháp này trước hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi thì cần phải có nghiên cứu kỹ.
Tuy nhiên, về chuyên môn, các phương pháp này nếu có hiệu quả chẳng qua là nhất thời một khía cạnh nào đó thôi. Thực tế, cây trồng là phải tiếp thu dinh dưỡng qua rễ mới đủ lượng nuôi cây phát triển bền vững.