Vụ đông xuân dự báo được mùa
Mới đây, nhóm phóng viên Báo NTNN đã có dịp khảo sát một vòng các vùng trồng lúa ở khu vực Thái Bình, Hải Dương. Đi dọc Quốc lộ 10, Quốc lộ 5, chúng tôi nhận thấy nhiều diện tích lúa đang bước vào giai đoạn kết hạt rất đẹp, bông chắc mẩy, những cánh đồng đều một màu xanh ngắt, cây lúa phát triển tốt và hứa hẹn cho năng suất cao.
Đứng ở ruộng lúa nhà mình, ông Bùi Dũng Tiến - nông dân thôn Vân (xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, Thái Bình) vui mừng cho biết: Vụ xuân 2020, toàn thôn chúng tôi cấy 22,5ha theo mô hình sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Nhìn chung cho đến bây giờ các ruộng lúa của xã viên chúng tôi đều rất đẹp, thời gian qua gần như phải dùng rất ít thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Tiến cũng cho hay, gia đình ông có 4.000m2 diện tích lúa nằm trong dự án sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính. Mặc dù thời tiết mưa ẩm vừa qua là điều kiện tốt cho dịch bệnh phát triển, nhất là bệnh đạo ôn lá, nhưng đến giờ gia đình chưa một lần phải phun phòng trừ.
"Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích lúa trong thôn mới chỉ 2 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và đạo ôn cổ bông. Nhìn ruộng lúa đẹp như thế này, chúng tôi dự tính năng suất sẽ đạt khoảng 300kg/sào, tương đương 8 tấn/ha" – ông Tiến cho biết thêm.
Cùng chung nhận định về kết quả vụ xuân 2020, ông Phạm Tiến Quân – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thụy Ninh chia sẻ: Ngoài công việc của HTX, gia đình tôi vẫn tham gia sản xuất lúa với diện tích 30 mẫu. Ở vụ xuân năm nay, cây lúa thường hay mắc bệnh đạo ôn lá. Trước đây, có những vụ chúng tôi phải phun thuốc đến gần chục lần để phòng trừ sâu bệnh. Nhưng giờ đây đã có những giống lúa được chuyển gen kháng đạo ôn nên hiện tượng sâu bệnh đã được hạn chế rất nhiều, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe cho bà con nông dân cũng như bảo vệ môi trường.
Không chỉ các diện tích lúa xuân ở vùng ĐBSH hứa hẹn cho một mùa vụ bội thu, mà bà con nông dân khu vực Bắc Trung Bộ cũng đang rất phấn khởi vì lúa bắt đầu được thu hoạch. Dù thời tiết bất thuận, nhưng nhiều thửa ruộng bông lúa vẫn sai trĩu, nặng hạt.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Đồng Minh Quân - Trưởng phòng NNPTNN huyện Nông Cống (Thanh Hóa) cho biết: "Toàn huyện có khoảng gần 10.200ha lúa, trong đó 600ha được các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Đến nay các diện tích lúa đang bắt đầu cho thu hoạch, ước tính năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha. Trừ mọi chi phí, người nông dân lời khoảng 1.000.000-1.200.000 đồng/sào nên bà con rất phấn khởi".
Thời tiết ảnh hưởng lớn tới năng suất
Việc sản xuất lúa vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, do vậy với tình hình thời tiết bất thuận như năm nay, đặc biệt là 2 đợt không khí lạnh (rét nàng bân) mà theo đánh giá 50 năm mới có một lần, cũng đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất lúa của khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Ông Trần Văn Huy – Chủ tịch UBND xã Phúc Thành (Kim Thành, Hải Dương) cho biết: Vụ xuân năm 2020, xã Phúc Thành có 142,5ha đất trồng lúa, cơ cấu trà giống gồm 3 giống chủ yếu. Năm nay, ruộng lúa bị chuột phá hoại nên nhiều diện tích bị giảm năng suất. Đặc biệt, do thời tiết năm nay bất thường hơn so với mọi năm nên các trà lúa trỗ gặp đúng đợt gió mùa thì các giống lúa đều bị ảnh hưởng, dự kiến năng suất sẽ giảm 20 - 30%.
Bà Trần Thị Thu – nông dân xóm 6 (xã Phúc Thành) cho biết: Tôi thường xuyên tìm hiểu kỹ thuật chăm bón lúa trên các phương tiện thông tin đại chúng nên các ruộng lúa nhà tôi được chăm bón rất đúng kỹ thuật. Vụ này, lúc đầu lúa phát triển rất tốt, nhưng năm nay do ảnh hưởng thời tiết, nhất là đợt rét nàng bân vừa qua đúng lúc lúa trỗ nên tất cả các giống lúa đều bị ảnh hưởng, tỷ lệ hạt lép cao.
"Diện tích trồng lúa của nhà tôi có tôi có 3 mẫu, được chia làm 2 thửa. Thửa ở phía trên cấy sau thì đến giờ lúa rất tốt, hứa hẹn cho năng suất cao, có thể đạt đến 300kg/sào. Còn thửa này thì trỗ đúng vào đợt rét đậm vừa qua nên mới có tình trạng hạt lép"– bà Thu cho hay.
Với cùng một giống lúa, cùng người chăm bón, tỷ lệ phân bón như nhau, nhưng thời điểm gieo cấy khác nhau mà năng suất lại khác nhau. "Vì vậy tôi có thể khẳng định tình trạng lúa lép hạt ở vụ xuân 2020 này là do thời tiết không thuận, chứ không phải do giống lúa" - bà Thu khẳng định.
Cùng quan điểm về việc thời tiết ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa, bà Vũ Thị Hanh – Phó thôn Dưỡng Thái Trung (xã Phúc Thành) cho hay, bà con nông dân trong thôn cấy rất nhiều giống lúa, tình trạng lúa có tỷ lệ hạt lép tương đối cao.
"Tình trạng lúa bị lép có phải do giống không?" - trả lời câu hỏi này của phóng viên, bà Hanh cho rằng: "Việc lúa bị lép là do thời tiết thì đúng hơn, vì chỉ những trà lúa trỗ vào ngày gió bấc, hạt lúa bị há miệng nên gây ra tình trạng lép hạt. Hiện tượng này xảy ra ở rất nhiều giống chứ không riêng một giống lúa nào, còn các trà khác thì vẫn phát triển tốt và dự kiến cho năng suất cao. Bởi vậy, theo tôi trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng, thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất".
Trên bao bì mỗi giống lúa, các công ty đều đã đưa ra những khuyến cáo về thời vụ và cách chăm bón cũng như tính toán thời gian trỗ của lúa để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết. Nhà nông nếu thực hiện theo đúng khuyến cáo sẽ hạn chế được rủi ro do thời tiết gây nên với cây trồng.