Người nông dân mà chúng tôi nhắc đến là chị Chu Thị Thu, dân bản Phiêng Luông 2 (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Chị Thu nuôi vịt siêu trứng được gần 6 năm nay và mô hình của chị được đánh giá tạo thu nhập ổn định.
Cũng như nhiều hộ dân khác trong bản, trong xã, trước đây gia đình chị Thu chủ yếu sống dựa vào sản xuất lúa, ngô. Hai vợ chồng làm quần quật quanh năm, suốt tháng mà cũng chỉ đủ ăn. Với suy nghĩ, nếu cứ trông chờ vào làm ruộng, làm nương thì khó có thể khấm khá lên được, do đó chị Thu đã bàn với chồng làm thêm nghề mới.
Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, cuối cùng vợ chồng chị Thu quyết định lựa chọn nuôi vịt siêu trứng. Nghĩ là làm, qua tìm hiểu thông tin trên mạng, chị Thu bắt xe về tận xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) để mua con giống vịt siêu trứng về nuôi, đó là vào đầu năm 2015.
Lâu nay chỉ quen với làm ruộng, làm nương, cây ngô, cây lúa, còn kĩ thuật nuôi vịt siêu trứng thì vợ chồng chị mù tịt. Vì vậy, lứa đầu tiên, chị Thu chỉ dám mua 100 con vịt siêu trứng giống về nuôi thí điểm. Mầy mò học hỏi kỹ thuật nuôi vịt đẻ trên mạng internet, vợ chồng chị Thu áp dụng vào chăm sóc đàn vịt của gia đình.
Được gia chủ chăm sóc cẩn thận, cho ăn đủ dinh dưỡng, đàn vịt siêu trứng lớn nhanh, chỉ hơn 3 tháng sau đã bắt đầu đẻ trứng. Khấp khởi mừng thầm trước thành công bước đầu, vợ chồng chị bảo nhau mở rộng chuồng trại nuôi vịt siêu trứng với quy mô lớn hơn.
Năm 2016, vợ chồng chị Thu xin bố mẹ ra ở riêng để tiện cho việc nuôi vịt đẻ quy mô lớn. Được bố mẹ cho mảnh đất ở gần cuối bản, vợ chồng chị Thu liền dựng nhà ở và làm chuồng trại nuôi vịt siêu trứng. Chuồng nuôi vịt đẻ được thiết kế cách xa nơi ở.
Phía trước chuồng vịt, chị Thu thuê người đào một cái ao nhỏ để cho đàn vịt siêu trứng thoải mái bơi lội mỗi ngày. Bên cạnh ao là khu đất rộng rãi, đàn vịt có thể đi lại thoải mái ở đó sau khi tắm xong.
Chuyển đến nơi ở mới, ngoài duy trì đàn vịt đẻ gần 100 con, chị Thu bắt thêm 400 con vịt giống nữa về nuôi. Cứ thế, lứa nọ nối tiếp lứa kia, hiện nay trong chuồng nhà chị Thu có hơn 700 con vịt siêu trứng.
Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật nuôi vịt siêu trứng, chị Thu cho biết: "Nuôi vịt siêu trứng muốn có "ăn" thì phải đặc biệt chú ý đến khâu chọn giống. Con giống phải đảm bảo chất lượng, tức là phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị khô chân hay vẹo mỏ..."
"Ngoài khâu chọn giống, tôi còn tiêm vacxin định kỳ phòng chống các loại dịch bệnh cho đàn vịt. Tôi cũng thường xuyên phun thuốc khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực bãi đỗ của đàn vịt. Nhờ đó, đàn vịt của gia đình luôn sinh trưởng, phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh" – chị Thu cho biết thêm.
Tùy theo từng độ tuổi của đàn vịt siêu trứng mà chị Thu cho ăn theo chế độ khác nhau. Trong thời gian úm vịt (khoảng 1 tháng) chị Thu cho chúng ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Còn khi vịt bắt đầu đẻ trứng thì chị lại cho chúng ăn cám trộn với thân cây chuối băm nhỏ. Mỗi ngày chị Thu cho đàn vịt đẻ ăn 2 bữa sáng và chiều.
Theo chị Thu, nuôi vịt siêu trứng vất vả nhất là thời gian úm và giai đoạn vịt hậu bị, còn khi vịt bắt đầu đẻ thì nhàn hơn. Chỉ cần cho chúng ăn uống đầy đủ, sạch sẽ thì đàn vịt sẽ đẻ đều hơn.
"Ngày nào tôi cũng phải thức dậy từ 5 giờ sáng để nhặt trứng. Chỉ nhặt trứng thôi mà tôi mỏi nhừ cả tay. Mỗi ngày, đàn vịt hơn 700 con siêu trứng hơn 600 quả trứng. Trứng la liệt khắp chuồng, phải mất hơn 2 tiếng tôi mới nhặt hết. Tôi chủ yếu cung cấp trứng cho các tiểu thương ở chợ thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn) và bán lẻ cho bà con trong bản, trong xã. Mỗi tháng bán ra thị trường gần 2 vạn quả trứng vịt, với giá bình quân 2.500 đồng/quả, tôi thu gần 50 triệu đồng." – chị Thu phấn khởi nói.