Điểm sáng Thái Bình
Được biết đến là nơi có di tích Bộ Canh nông (tiền thân của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NNPTNT) ngày nay), xã Thái Bình hôm nay đã đổi thay thực sự. Những con đường liên xã, liên thôn, xóm được đổ bê tông phẳng lỳ, các nhà mái lợp lá, rơm rạ nay đã thay bằng mái tôn lạnh, mái bằng bền vững, khang trang hơn.
"Qua các mô hình phát triển kinh tế đầy sáng tạo ở Thái Bình có thể thấy nông dân Việt Nam biết tận dụng rất tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên của địa phương để làm nên các loại nông sản không chỉ nhiều về số lượng mà còn cho giá trị cao, an toàn phục vụ cho thị trường".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Ngày 17/5 vừa qua, nhân dịp xã Thái Bình chính thức được công nhận đạt chuẩn NTM, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn cán bộ T.Ư, lãnh đạo tỉnh về thăm, chúc mừng địa phương. Gặp đoàn, bà con nhân dân ai cũng tay bắt mặt mừng.
"Từ khi có nông thôn mới, cuộc sống của chúng tôi như bước sang trang mới ấm no, tươi vui hơn" - lão nông Nguyễn Tiến Hưng (ở thôn 4, xã Thái Bình), chia sẻ.
Vừa nói, ông Hưng vừa dẫn đoàn đi tham quan khu vườn mẫu đầy hoa thơm, cây trái trĩu quả của mình. Gia đình ông Hưng là 1 trong 12 hộ đầu tiên tại Thái Bình xây dựng vườn mẫu. Từ một hộ khó khăn, nhờ sự định hướng, hỗ trợ của địa phương, đến giờ gia đình ông Hưng đã vươn lên trở thành triệu phú.
"Vườn nhà tôi có diện tích hơn 5.000m2 với đủ các loại cây ăn quả như nhãn, cam bưởi, rau xanh kết hợp chăn nuôi gà thả vườn, ao cá, ong... Các cây, con đều được chăm sóc theo quy trình an toàn và hướng đến sản xuất hữu cơ. Trung bình mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng từ khu vườn này" - ông Hưng tiết lộ.
Qua tham quan, các đại biểu trong đoàn công tác đều thích thú trước sự sắp xếp, khai thác diện tích để trồng cây và khu chuồng trại chăn nuôi của ông Hưng đều rất bài bản và bắt mắt. "Vừa qua, thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nhưng vườn rau, trái cây sạch của tôi làm ra vẫn luôn đắt hàng, có thời điểm còn không có rau để bán cho khách" - ông Hưng chia sẻ.
Cũng như ông Hưng, hàng chục hộ dân tại Thái Bình cũng đang vui mừng vì mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết, các mô hình phát triển nông nghiệp, chăn nuôi do các cơ quan, đơn vị của Bộ NNPTNT và huyện, tỉnh hỗ trợ cho bà con Thái Bình đến nay đều cho kết quả tốt và đang được nhân rộng hơn.
"Từ một xã có xuất phát điểm thấp, đến nay ở Thái Bình đã xuất hiện trên 100 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm nhờ trồng cây ăn quả, nuôi ong, gia súc..." - ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, tháng 2/2020 vừa qua, Thái Bình là 1 trong 5 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Cơ sở hạ tầng xã quy hoạch đồng bộ;... Đặc biệt, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn toàn xã Thái Bình đã đạt 39,6 triệu đồng/năm; xã không còn hộ nghèo...
Tiếp tục vươn lên làm giàu
Đánh giá về kết quả xây dựng NTM của Thái Bình, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Những thành tích mà cán bộ và người dân Thái Bình đạt được là rất tốt và đáng tự hào.
Tuy nhiên, chúng ta không được tự mãn, bằng lòng với những gì đạt được mà xã và bà con nhân dân cần phải phát huy, phấn đấu thực hiện các nhiệm cao hơn, tiếp tục làm giàu hơn cho gia đình và đóng góp cho địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, hạt nhân trong tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay vẫn là các hộ sản xuất, các hộ này phải gắn với nhau để tạo thành hợp tác xã kiểu mới và liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu đến khâu chế biến và thương mại.
Nói thêm về việc xây dựng NTM của Tuyên Quang, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, với thế mạnh của mình, Tuyên Quang đang biết cách khai thác kinh tế rừng, kinh tế gò đồi hiệu quả, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Đến cuối năm 2020, Tuyên Quang có thể đạt được 40% số xã đạt chuẩn NTM trong tổng số 124 xã trên toàn tỉnh; nâng thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm ở vùng nông thôn.