Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc rà soát, xem xét thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.
Theo đó, Bô GTVT đề nghị tạm thời không cấp phép thành lập hãng bay mới, việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến sau năm 2022).
Hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đang có 3 doanh nghiệp xin được thành lập hãng hàng không mới gồm: Dự án đầu tư hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, được thực hiện tại Cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng và Công ty hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines).
Hiện, dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 457/QĐ-TTg, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.
Việc Bộ GTVT đề nghị tạm thời không cấp phép thành lập hãng bay mới, khiến cho kế hoạch của 3 hãng hàng không đang xếp "lốt" chờ giấy phép gặp nhiều khó khăn.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết, trên tinh thần để khôi phục lại thị trường Hàng không để đảm bảo hoạt động của các hãng hàng không hiện hữu thì Bộ GTVT đang xem xét đến việc đến đầu năm 2022 mới cấp phép vận tải hàng không mới!
Vị này cho rằng: Đối với việc đang có 3 hãng hàng không chờ cấp phép, Bộ GTVT đang phải rà soát lại toàn bộ yếu tố để xem xét, đánh giá toàn diện cụ thể, trong đó, phải đánh giá đến việc có thị trường hay không?.
Theo Cục hàng không, năm 2020, thị trường hàng không giảm một nửa so với năm ngoái. Các hãng hàng không trong nước có tổng số 214 tàu bay nhưng do thị trường thu hẹp nên một nửa số tàu bay vẫn 'đắp chiếu'. Các hãng hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn tiền mặt để hoạt động và lượng khách giảm mạnh do dịch. Chính phủ đang chỉ đạo tìm cách tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và các hãng hàng không nói riêng.
"Sức khoẻ của thị trường Việt Nam phục hồi như thế nào trong bối cảnh cả thế giới lao đao vì dịch Covid-19? Bên cạnh đó là hạ tầng hàng không đang quá tải và đặc biệt là sắp tới còn sửa chữa nâng cấp đường băng 2 Sân bay lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất", vị đại diện Bộ GTVT nói.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đầu tháng 4 này, Vietravel đã được Thủ tướng chính phủ đồng ý chủ trương thành lập hãng hàng không. Chính phủ giao Bộ GTVT kiểm tra, rà soát hồ sơ, thủ tục của Vietravel.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền Chủ tịch hội đồng thành viên công ty luật hợp danh Thiên Thanh giải thích: Theo Điều 110, Luật hàng không (năm 2014), Bộ trưởng Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Sau khi Bộ GTVT kiểm tra rà soát, báo cáo Thủ tướng về việc đã đủ điều kiện, thủ tục thì Thủ tướng sẽ xem xét, chỉ đạo bộ GTVT có cấp phép vận chuyển hàng không cho Vietravel hay không.
Trong trường hợp này, mặc dù đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhưng do xuất hiện tình huống 'bình thường mới' sau dịch, tức là ngành hàng không và nhiều ngành khác gặp khó khăn, cần được hỗ trợ để khôi phục nên phải căn cứ vào tình hình thực tế và đặc biệt là điểm đ, khoản 1, điều 110 của luật Hàng không về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không: 'Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với nhu cầu thị trường và quy hoạch định hướng phát triển ngành hàng không'.
'Như vậy cả về mặt pháp lý và điều kiện thị trường hiện nay, việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel là rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Vì 'chiếc bánh thị trường' đã bị giảm một nửa, hãng cũ còn đang thừa tàu bay, nếu thêm hãng mới thì có hãng cũ đứng trước nguy cơ phá sản cao hơn, hãng mới cũng khó tồn tại', LS Truyền nói.
Theo LS này, 'Chính phủ chắc chắn không muốn kịch bản này xảy ra, càng không muốn các hãng hàng không cạnh tranh thiếu lành mạnh, đến mức phải có hãng bị phá sản vì sẽ bị giảm thu ngân sách và rất lãng phí nguồn lực xã hội. Vì vậy giải pháp tối ưu lúc này là công ty du lịch lữ hành Vietravel (chủ đầu tư dự án hãng hàng không Vietravel) liên kết với các hãng hiện có để chở khách du lịch của công ty. Sau năm 2022, khi thị trường hàng không khôi phục lại bằng năm 2019 mới tính đến việc ra đời hãng hàng không mới như Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng'.