Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố dự thảo các tại liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020.
Thắt lưng buộc bụng, mục tiêu 5.000 tỷ lợi nhuận sau thuế
Đề cập tại báo cáo của Ban Giám đốc về tình hình kinh doanh năm 2019 và kế hoạch kinh doanh năm 2020, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, từ đầu năm 2020, thế giới và Việt Nam phải đối mặt những thách thức chưa từng có về kinh tế, xã hội do dịch Covid-19 gây ra. Các định chế tài chính lớn đều hạ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái kinh tế.
Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam có được lợi thế là một trong số ít các quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 và bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội từ cuối tháng 4 – tạo tiền đề tốt để khôi phục kinh tế.
Tuy vậy, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn chưa được kiểm soát triệt để và nhiều ngành nghề như du lịch, sản xuất có sự phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế, năm 2020 sẽ tiếp tục là năm thách thức, trước khi đưa tốc độ tăng trưởng trở lại quỹ đạo vốn có.
Nhằm chủ động nguồn lực đối phó với những bất ổn do Covid-19, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, quản lý chặt chẽ việc chi tiêu và mở rộng, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động các lĩnh vực hiện có.
Về hoạt động kinh doanh, ở lĩnh vực bất động sản, Vinhomes sẽ tiếp tục mở bán các phân khu mới thuộc 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park, mở bán phân khu thấp tầng tại dự án Vinhomes Wonder Park tại Đan Phượng, Hà Nội.
Vinhomes cũng bắt đầu hiện thực hóa chiến lược phát triển các mảng kinh doanh nhằm tạo dòng tiền đều cho công ty bao gồm phát triển hệ thống văn phòng cho thuê và khu công nghiệp.
Ở lĩnh vực cho thuê trung tâm thương mại, Vincom Retail sẽ đẩy mạnh số hóa và hiện thực hóa mô hình mua sắm – giải trí; Vinpearl tập trung thúc đẩy kinh doanh với số cơ sở đã đi vào hoạt động và ưu tiên các dự án tối ưu chi phí vận hành.
Trong lĩnh vực công nghiệp, VinFast và Vinsmart tập trung vào bán hàng tại thị trường trong nước, tận dụng tối đa hệ sinh thái Vingroup tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm đồng thời xúc tiến xuất khẩu.
Về nguồn vốn và đầu tư, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài nước. Đồng thời, kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới và tối ưu hóa hiệu suất sử duṇg nguồn vốn để phuc̣ vụ chiến lược kinh doanh ngắn, trung và dài hạn của Tập đoàn.
Trên cơ sở đó, Ban giám đốc Vingroup trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 với doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh là khoảng 145.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 5.000 tỷ đồng. Năm 2019, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 130.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 7.717 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, so với năm 2019, mục tiêu của năm 2020 sẽ tăng 11,5% về doanh thu thuần nhưng giảm 35% về lợi nhuận.
Thù lao bình quân của thành viên HĐQT lên tới 2,2 tỷ đồng năm 2020
Về tờ trình của HĐQT và Ban Kiểm soát phê duyệt thù lao cho thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát do Chủ tịch Phạm Nhật Vượng ký, Vingroup cho biết, việc chi trả thù lao trong năm 2019 đã được thực hiện đúng với Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.
Cụ thể, thù lao cho HĐQT là 19 tỷ đồng, tương đương 0,25% lợi nhuận sau thuế năm 2019 và thù lao cho Ban Kiểm soát là 3,9 tỷ đồng, tương đương 0,05% lợi nhuận sau thuế 2019.
Như vậy, với 9 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban Kiểm soát, thù lao của mỗi thành viên HĐQT bình quân là 2,1 tỷ và 1,3 tỷ thù lao bình quân mỗi thành viên Ban Kiểm soát nhận về trong năm 2019.
Về mức thù lao dự kiến chi trả trong năm 2020, HĐQT Vingroup đề nghị ĐHĐCĐ thông qua mức thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát tương đương với mức đã trình của năm 2019, mặc dù mục tiêu lợi nhuận giảm tới 35%.
Trong đó, thù lao cho HĐQT tối đa bằng 0,4% lợi nhuận sau thuế. Với mức lợi nhuận mục tiêu 5.000 tỷ đồng, tổng thù lao cho HĐQT tối đa lên tới 20 tỷ đồng. Bình quân hơn 2,2 tỷ đồng/năm với mỗi thành viên HĐQT
Thù lao cho Ban Kiểm soát tối đa bằng 0,1% lợi nhuận sau thuế, tương ứng khoảng 5 tỷ đồng. Nếu số lượng thành viên Ban Kiểm soát không thay đổi, thù lao bình quân của mỗi thành viên Ban Kiểm soát có thể lên tới gần 1,7 tỷ đồng/năm.
HĐQT và Ban Kiểm soát đề nghị giao cho Chủ tịch HĐQT quyết định mức thù lao cụ thể cho các thành viên HĐQT và giao Trưởng Ban Kiểm soát quyết định mức thù lao cụ thể cho các thành viên Ban Kiểm soát nằm trong tổng mức thù lao nêu trên.