Ông Nguyễn Văn Thu ở xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Với diện tích 3ha, ông Thu quy hoạch vườn thành từng khu riêng biệt để trồng thanh long, quýt, bưởi, chuối... Riêng khu trồng cam, quýt, bưởi da xanh, được ông ứng dụng hệ thống phun tưới tự động.
Ông Thu bảo: "Với việc sử dụng hệ thống tưới phun tự động, chỉ cần một vài thao tác đơn giản là người trồng có thể tưới cho cả ngàn gốc cam, bưởi, bất kể là ngày hay đêm".
Ông Thu cho biết: Hàng năm, ông luôn được Hội ND huyện, xã mời tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT. Nhờ vậy, ông đã có thêm kiến thức, nâng cao kỹ năng, tay nghề từ đó mạnh dạn đưa các loại giống cây ăn quả mới vào trồng có hiệu quả.
Áp dụng kiến thức học được từ các lớp tập huấn, ông Thu chú ý đến khâu chăm sóc và bảo quản nông sản sau thu hoạch; sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh để chăm bón cây, vừa làm đất tơi xốp, vừa hạn chế được sâu bệnh cho cây. Đến nay, với 3ha trồng các loại cây ăn quả cho thu hoạch, ông Thu bỏ túi cả tỷ đồng mỗi năm.
Nhận thức được tầm quan trọng của tiến bộ KHKT, Hội ND các cấp tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Cụ thể, Hội đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo giới thiệu chế phẩm sinh học dạng bào tử bền nhiệt trong chăn nuôi; công nghệ bảo quản các sản phẩm thịt, thủy, hải sản bằng sóng điện từ; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong trồng trọt và giới thiệu kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn Đài Loan...
Hội cũng phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT tỉnh và một số doanh nghiệp, hỗ trợ triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp mới, nhằm tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 1.358 lớp tập huấn, chuyển giao, giới thiệu và ứng dụng KHKT cho 84.216 lượt hội viên, nông dân về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản chế biến nông sản và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi… Tham gia các lớp tập huấn, nông dân được phổ biến kiến thức, hướng dẫn mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; tập huấn phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.