Dân Việt

NÓNG: Thủ tướng đồng ý giảm 50% phí trước bạ, ô tô sẽ “siêu rẻ”

Thanh Phong 19/05/2020 17:56 GMT+7
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận về một số giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trận tự an toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Hiện tại, ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống chịu hai mức thu lệ phí trước bạ (tùy từng địa phương) là 10% và 12% trên giá bán xe. Nếu được giảm 50% thì số tiền khách hàng nộp lệ phí trước bạ sẽ được giảm một khoản lớn.

NÓNG: Thủ tướng đồng ý giảm 50% phí trước bạ, ô tô sẽ “siêu rẻ” - Ảnh 1.

Ô tô lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% thuế trước bạ đến hết năm 2020

Tuy nhiên, ưu đãi này chỉ dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc không được hưởng. Theo tính toán, khi mua những mẫu xe bình dân sản xuất lắp ráp trong nước, khách hàng sẽ tiết kiệm được từ 15-80 triệu đồng.

Theo nhận định của giới chuyên môn, việc giảm 50% lệ phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá bán xe của các DN ô tô trong nước do đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe. Tuy nhiên, nếu lệ phí trước bạ giảm 50% chỉ với xe sản xuất lắp ráp trong nước đương nhiên sẽ tạo ra lợi thế trước xe nhập khẩu nguyên chiếc. Đứng trước sức ép này, xe nhập khẩu có thể sẽ tiếp tục giảm giá để cạnh tranh.

Trước đó, khi Bộ Công Thương và Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất giảm một số loại thuế, phí cho các dòng xe ô tô lắp ráp trong nước đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nổi bật trong đó là việc Bộ Tài chính không tình với đề xuất vì lo ngại có thể vi phạm các quy định của WTO.

Tuy nhiên, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, khi dịch Covid – 19 khiến ngành công nghiệp ô tô trở nên "ốm yếu", cần những biện pháp hỗ trợ hữu hiệu. Đặc biệt, ông Hải nhấn mạnh, các biện pháp cần "kịp thời" nếu không ngành ô tô sẽ không "qua khỏi".

"Các giải pháp phải "kịp thời" vì hiện nay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang rất "ốm yếu". Bây giờ, khi có dịch Covid – 19, nếu phải đợi đến một năm, hai năm sau giải pháp mới có giá trị, liệu ngành công nghiệp ô tô có "qua khỏi" không?", ông Hải nói.

Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 một số tiêu chí của ngành sản xuất ôtô giảm rất mạnh.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp ôtô giảm 14,2 %, trong 4 tháng vừa qua, chỉ đạt được 61.500 xe các loại, giảm 24 % so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhu cầu xe tiêu thụ chỉ đạt khoảng 35 - 40 % so với cùng kỳ.