Đây có thể coi là một tín hiệu vui của nền kinh tế sau dịch bệnh… Trào lưu doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực bất động sản, công nghiệp, tài chính... chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp bắt đầu từ năm 2013. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai, khi bầu Đức tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường bất động sản, tái cấu trúc lại doanh nghiệp vào lĩnh vực chính là nông nghiệp.
Sau đó là "vua thép" Trần Đình Long, và gần đây nhất là tỷ phú Trần Bá Dương khi quyết định hợp tác, mua bán, sáp nhập (M&A) đình đám với bầu Đức và "vua cá" Hùng Vương. Tuy nhiên, số phận các dự án đầu tư nông nghiệp của những "ông lớn" đang có sự khác biệt rất lớn.
"Vua thép" lãi 5,4 tỷ đồng mỗi ngày
Với phong cách "xe lu" không ồn ào, lầm lũi làm nông nghiệp, "Vua thép" Hòa Phát của ông Trần Đình Long đang được xem là biểu tượng cho sự thành công trong số những đại gia "sang ngang" làm nông nghiệp tính tới thời điểm hiện tại.
Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Hòa Phát cho thấy, mảng nông nghiệp đóng góp 17% tỷ trọng doanh thu của Hòa Phát, tương ứng doanh số 2.800 tỷ đồng. Tỷ trọng này đã tăng so với mức 8% năm 2018 và 12% (2019). So với quý I/2019, doanh thu nông nghiệp của Hòa Phát tăng tới 60%. Về lợi nhuận, bộ phận nông nghiệp đóng góp lợi nhuận thuần sau thuế 480 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 400%. Tính bình quân theo ngày, lãi từ nông nghiệp của Hòa Phát khoảng 5,4 tỷ đồng. Lợi nhuận của mảng nông nghiệp tại Hòa Phát trong riêng quý I đã bằng 86% mức lãi ròng 560 tỷ cả năm 2019.
Trong quá khứ, Hòa Phát đã thành công vang dội khi rẽ ngang từ doanh nghiệp sản xuất máy xây dựng sang sản xuất thép. Với nông nghiệp, chặng đường 5 năm qua của Hòa Phát cũng không hề "bằng phẳng" khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu heo thịt năm 2017, dịch tả lợn châu Phi (2018 – 2019) và đại dịch Covid-19 bùng phát khiến doanh nghiệp chăn nuôi "liêu xiêu". Thế nhưng nhờ những bước đi "thận trọng, vừa làm vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm nhưng không phải cứ lao đầu vào làm" như Chủ tịch Trần Đình Long từng chia sẻ trước đó, "chiếc xe lu" Hòa Phát vẫn vượt qua mọi khó khăn, đến ngày hái quả.
Tại buổi gặp gỡ mới đây với nhà đầu tư, Chủ tịch Trần Đình Long thừa nhận, "mảng nông nghiệp quá tốt", "2 con bò nhập khẩu từ Úc thì chúng tôi có 1 con, 5 tuổi bước chân vào ngành bò, làm cẩn thận và vững chắc, trứng gà hiện nay cũng đang số 1 Việt Nam mỗi ngày tiêu thụ 400.000 quả". Trong năm nay, Hòa Phát dự kiến cung cấp cho thị trường 150.000 con bò Úc, 200.000 con lợn thương phẩm (chưa tính lợn giống, lợn cai sữa) và đạt sản lượng 700.000 trứng/ngày vào thời điểm cuối năm 2020.
Hòa Phát của ông Trần Đình Long ước tính, doanh thu mảng nông nghiệp sẽ đóng góp 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, lớn thứ 2 sau mảng thép của Tập đoàn này trong năm 2020.
Còn với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), sau nhiều lần "bẻ lái" với tham vọng chuyển trục tăng trưởng từ "đại gia bất động sản" sang "lão nông tỷ USD" cũng bước đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực trong bức tranh kinh doanh trong quý I vừa qua, bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19.
Theo đó, HAGL Agrico của bầu Đức ghi nhận 666 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng tới 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico, bán trái cây chiếm tỷ trọng cao nhất với 570 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ. HAGL Agrico báo lãi sau thuế 2,85 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty lỗ ròng 99 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã lãi nhẹ sau 6 quý lỗ liên tiếp bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. Bên cạnh đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng dương trở lại hơn 932 tỷ đồng…
"Đại gia" lĩnh vực chăn nuôi lãi khủng
Một số "đại gia" lĩnh vực chăn nuôi khác như Vissan, Vilico... cũng báo lãi khủng nhờ giá thịt lợn tăng vọt trong quý I năm nay. Trong đó, Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - VSN) cho biết doanh thu thuần quý I đạt hơn 1.453 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019 và lãi sau thuế 46,5 tỷ đồng, tăng 19%.
"Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp, chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau".
Ông Trương Gia Bình
Doanh thu thịt tươi sống của Vissan chiếm gần 669 tỷ đồng, tăng 20% và doanh thu thực phẩm chế biến chiếm gần 742 tỷ đồng, tăng 22%. Vissan cho biết, lợi nhuận tăng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi lợn tại chi nhánh.
Còn năm 2019 vừa qua, giá lợn hơi tăng mạnh vào cuối năm giúp Vissan đạt doanh thu 4.993 tỷ đồng, tăng gần 11,8% so với năm 2018 và lợi nhuận trước thuế 226 tỷ đồng, cao nhất 49 năm qua.
Tương tự, cũng nhờ giá lợn hơi duy trì mức cao trong thời gian dài nên Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco (MLS), đơn vị chuyên chăn nuôi lợn siêu nạc, sản xuất và kinh doanh lợn thương phẩm, lợn giống… cũng đã thu được hơn 93 tỷ đồng trong quý I/2020, trong khi quý I/2019, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần của Mitraco âm -10,33%.
Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico - VLC) cũng cho biết, trong quý I/2020 đạt doanh thu đạt 633,4 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty này cho thấy lãi sau thuế gần 50 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn nhận về xu hướng "đại gia" làm nông nghiêp, Chủ tịch FPT từng nhận định, phần lớn các doanh nghiệp này đã thoát khỏi cách sản xuất truyền thống, chuyển sang làm nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ tự động hoá và quản trị trên nền tảng số hoá 4.0 theo chuỗi giá trị khép kín, chuyên biệt. "Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp, chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau"- ông Trương Gia Bình nói. Ông kỳ vọng, doanh nghiệp Việt Nam có thể giàu vì nông nghiệp số.
Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Việt Nam: Đẩy mạnh chế biến,bảo quản
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ NNPTNT đã đưa ra danh mục sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, có các chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp. Nghị quyết 53/2019/NQ-CP của Chính phủ đã nhấn mạnh tới mục tiêu Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Trong đó, DN nông nghiệp được xác định có vai trò "trụ cột" trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản.
Các DN cần phải kiên trì thực hiện theo hướng xuất nhập khẩu chính ngạch và tăng cường khâu chế biến, bảo quản. Làm như vậy thì chúng ta mới có bạn hàng dài hơi, cùng nhau chia sẻ rủi ro. Để thu hút nguồn lực đầu tư của DN, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn để DN đầu tư vào nông nghiệp; phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển của ngành...
Ông Vũ Mạnh Hùng -Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA): Trong nguy có cơ
Hiệp hội vừa khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các DN thành viên. Theo đó, có 80% DN tham gia khảo sát khẳng định có thiệt hại kinh tế đáng kể do tác động của dịch bệnh. Cụ thể, tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I/2020 trung bình giảm 30-50%, cá biệt một số DN giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch.
Bên cạnh đó, áp lực về tài chính, lãi vay đang là gánh nặng với DN trong bối cảnh DN vẫn phải duy trì các chi phí cố định nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Lượng hàng tồn lớn dẫn tới tăng chi phí lưu kho bãi, chi phí bảo quản… Mặc dù vậy, chúng tôi cũng nhìn nhận "trong nguy có cơ", do đó Hùng Nhơn vẫn dự kiến tăng trưởng 3-5% và mở rộng hoạt động sản xuất.
Kết quả này do DN đã thực hiện tái cấu trúc, cải tổ lại từ hệ thống kinh doanh, phần mềm..., nhất là có kinh nghiệm tham gia chuỗi sản xuất thịt gà xuất khẩu sang Nhật Bản từ năm 2017. Trong năm 2019, trung bình mỗi tháng, chuỗi liên kết trong đó có Hùng Nhơn xuất khẩu từ 800-1.000 tấn thịt gà.
P.V (ghi)