Mới nhất, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa quyết định thông qua kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2020 với số liệu cụ thể như tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. So với kế hoạch được công bố trước đó (doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 200 tỷ đồng), các chỉ tiêu này đã giảm lần lượt 10,7% và 37,5%.
Còn nếu so với lợi nhuận đạt được năm 2019 (406 tỷ đồng), chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 của HBC chỉ bằng 30,8%.
Việc "ông lớn" Hòa Bình giảm kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận năm 2020 không gây bất ngờ nhiều với giới đầu tư. Bởi lẽ trong bối cảnh chung của dịch bệnh Covid-19, ngành xây dựng được đánh giá thuộc nhóm có khả năng chịu đựng thấp nhất sau dịch, khi khả năng duy trì hoạt động kinh doanh đạt trung bình 4,2 tháng, thấp hơn nhiều so với thời gian vài năm của các nhóm ngành khác.
Nhóm ngành xây dựng có khả năng duy trì hoạt động thấp được lý giải là do dòng tiền các DN này đang dần cạn kiệt. Nếu chỉ dựa trên nguồn tiền sẵn có mà chưa phát sinh thêm doanh thu do dịch Covid-19 ảnh hưởng, thì nhiều khả năng sẽ có DN lâm vào cảnh phá sản.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi BCTC quý I cho thấy, nhiều chủ đầu tư đang rơi vào tình cảnh mất thanh khoản nghiêm trọng. Thêm vào đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc thu hồi dòng tiền càng thêm hạn chế bởi chủ đầu tư đang gặp khó khăn trong việc bán hàng và bàn giao dự án do dịch bệnh.
Tại Công ty Hòa Bình, kết thúc quý I, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của đơn vị bị âm tới 533 tỷ đồng. Tổng tiền mặt và tiền gửi chỉ còn 125 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ chưa tới 1% trong tổng tài sản; trong khi khoản phải thu từ chủ đầu tư lại lên tới 10.189 tỷ đồng, chiếm tới 69% tổng tài sản.
Cũng có dòng tiền kinh doanh bị âm "khủng" là Vinaconex (Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; HNX: VCG) với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.060 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tài sản của DN này, tổng tiền mặt mặt và tiền gửi khoảng 1.750 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 10% tổng tài sản; trong khi đó, khoản phải thu "dồn ứ" của DN này lại lên tới 7.302 tỷ đồng, chiếm khoảng 42% tổng tài sản.
Báo cáo tài chính quý I của Vinaconex cho thấy, DN chỉ đạt doanh thu thuần gần 1.001 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so cùng kỳ 2019. Trong đó doanh thu chính từ hoạt động xây lắp đạt 522 tỷ đồng giảm 43%, doanh thu từ kinh doanh bất động sản đạt 53 tỷ đồng giảm 78%, doanh thu sản xuất công nghiệp là 147 tỷ đồng giảm 30%, doanh thu từ hoạt động giáo dục là 42 tỷ đồng giảm 64%...
Giá vốn mặc dù giảm gần 40% nhưng vẫn chiếm khá cao gần 894 tỷ đồng khiến lãi gộp trong kỳ của Vinaconex chỉ đạt hơn 106 tỷ đồng, giảm 46%.
Trong kỳ này, Vinaconex ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng đột biến hơn 1.447%, đạt hơn 678 tỷ đồng. Theo VCG, khoản này chủ yếu nhờ có hơn 633 tỷ đồng lãi từ hoạt động thoái vốn các khoản đầu tư.
Đáng chú ý, trong khi doanh thu chính giảm mạnh thì các khoản chi phí trong kỳ của Vinaconex đều tăng. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 591% lên gần 574 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 61% lên 21,7 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 27% lên 89,2 tỷ đồng.
Kết quả, Vinaconex lãi trước và sau thuế 106,9 tỷ đồng và gần 64 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 36%. Nguyên nhân giảm lãi, theo lý giải của DN là do công ty mẹ và thành viên trích lập dự phòng phải thu khó đòi tăng lên (khoảng 574 tỷ đồng) và hoạt động kinh doanh không tốt so cùng kỳ.
Tại ngày 31/3, nợ phải trả Vinaconex cũng giảm 15% so với đầu năm do phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền trước ngắn hạn, chi phí phải trả ngắn hạn và dư nợ vay ngắn hạn đều giảm đáng kể.
Một loạt DN ngành xây dựng khác cũng đang "kiệt quệ" dòng tiền, chẳng hạn Coteccons (HoSE: CTD) có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 427 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, tổng tiền mặt mặt và tiền gửi tính hết quý I của Coteccons khoảng 3.759 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,3% tổng tài sản. Trong khi đó, khoản phải thu của DN cũng khá cao với giá trị 7.905 tỷ đồng, chiếm hơn 53% giá trị tổng tài sản.
Ricons (Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons) cũng có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 171 tỷ đồng trong quý I. Trong cơ cấu tổng tài sản tính hết quý I, giá trị khoàn phải thu của DN cũng khá "khủng" với 3.243 tỷ đồng, chiếm tới gần 62% tổng tài sản.
Ngược lại, Fecon là DN duy nhất trong nhóm ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương, tuy nhiên cũng chỉ đạt 2 tỷ đồng. Theo đó, giá trị tiền mặt của DN này đến cuối quý I cũng chỉ ở mức 221 tỷ đồng, trong khi phải thu lên tới 3.344 tỷ đồng tương đương 59% tổng tài sản.